Trước đây các người đẹp thi chui thường đổ thừa tại ngày thi cận quá xin phép không kịp. Sau đó họ tự giác đến các sở quản lý văn hóa để đóng phạt. Còn mới đây nhất, ngày 18-10, trả lời báo chí về việc người mẫu Lâm Thùy Anh đi thi chui cuộc thi “Miss Golbal Beauty Queen 2015 - Hoa hậu sắc đẹp Hoàn cầu” tại Hàn Quốc, người quản lý của Lâm Thùy Anh công khai không cần lý do thanh minh: “Chúng tôi không xin phép, vì biết có xin phép cũng không được cấp phép. Chúng tôi biết mức phạt và sẵn sàng đóng phạt khi đi thi về" (?).
Người mẫu Lâm Thùy Anh tham gia cuộc thi “Miss Golbal Beauty Queen 2015 - Hoa hậu sắc đẹp Hoàn cầu” tại Hàn Quốc và đoạt giải á hậu 4 vào ngày 17-10. Cô công khai việc thi chui và tự nguyện đến trình diện với cơ quan quản lý nhà nước và nhận mức phạt 22,5 triệu đồng. Được biết giải trưởng tiền mặt Lâm Thùy Anh nhận được là 5.000 USD.
Thực tế này và thái độ này cho thấy quy chế về việc cấp phép cho thí sinh Việt Nam ra nước ngoài thi sắc đẹp cấp quốc tế đã bị vô hiệu hóa. Chuyện phạt theo quy chế này không cản được quyết tâm thi chui của các người mẫu, người đẹp chưa có danh hiệu hay chưa có danh hiệu cấp quốc gia ở Việt Nam. Bởi đơn giản thôi, đi tìm một danh hiệu trong hay ngoài nước là cơ hội nổi danh buộc phải có để thành công của những cô gái chọn con đường tiến thân bằng việc biểu diễn sắc đẹp.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty Người mẫu Elite, đơn vị từng đưa nhiều người đẹp tham gia những cuộc thi lớn như Hoa hậu thế giới, cho biết: “Có những cuộc thi hoa hậu cấp quốc tế yêu cầu thí sinh phải có một danh hiệu hoa hậu hoặc á hậu cấp quốc gia. Có cuộc thi chỉ cần thí sinh có bất kỳ giải thưởng nào cũng được. Có cuộc thi chỉ cần thí sinh có kinh nghiệm. Có cuộc thi muốn tham gia phải đóng tiền bản quyền. Thậm chí có những cuộc thi sắc đẹp quốc tế sẵn sàng trả tiền cho các thí sinh họ thấy đạt chuẩn để tham gia”. Thực tế cũng cho thấy với những cuộc thi hoa hậu lớn đẳng cấp thế giới như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất… có sự quảng bá to lớn, có thể ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Muốn tham dự nó phải đóng phí bản quyền, thí sinh bắt buộc phải có danh hiệu cấp quốc gia nên muốn thi chui thí sinh không đủ điều kiện cấp phép ở Việt Nam cũng khó được chấp nhận. Ở những cuộc thi lớn, uy tín này, các người đẹp của Việt Nam chưa bao giờ làm nên chuyện.
Bên cạnh đó còn vô số cuộc thi hoa hậu quốc tế khác không gây được sự chú ý lắm trên thế giới. Thí sinh tham gia những cuộc thi này không bị đòi hỏi khắt khe lắm. Ở những cuộc thi quốc tế không nổi tiếng này, các thí sinh Việt Nam dễ làm nên chuyện và đó là cơ hội tạo dựng tên tuổi chính đáng của họ. Thế nên khi thí sinh đáp ứng yêu cầu của các cuộc thi kiểu này, rất cần một quy chế cho phép họ đi thi nếu chẳng gây hại điều gì để tránh trường hợp “cố đấm ăn xôi”, đi thi chui rồi về đóng phạt. Dân trong làng thời trang cho rằng chỉ nên phạt, thậm chí cấm diễn khi về nước khi họ có những phát ngôn hay hành động làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại cuộc thi họ tự tham gia.
Số đông dư luận đều cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên cởi trói trong việc cấp phép cho những người đẹp muốn đi thi hoa hậu, người mẫu ở nước ngoài miễn họ được ban tổ chức cuộc thi đó chấp nhận và không gây hại điều gì. Hãy để cho các các cuộc thi nước ngoài và các thí sinh tự chịu trách nhiệm về chất lượng cuộc thi của mình.
Hội thảo đánh giá việc thực thi pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để xác định mục tiêu, phương hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn” sẽ diễn ra vào ngày 11-11 tới đây, mong rằng cơ quan quản lý lắng nghe tiếng nói từ công luận, siết chặt hơn những quy định xử phạt ở lĩnh vực người mẫu - thời trang cũng như nới lỏng hơn quy định cấp phép thi hoa hậu để tránh tình trạng có luật cũng như không, phạt không đủ sức răn đe. |