Khiêm nhường để thành công

Trong những môi trường kinh doanh mới này, các DN châu Á sẽ đứng trên cùng một trận địa với các DN phương Tây, những người có lợi thế hơn trong việc xây dựng văn hóa không ngừng học hỏi và khiêm nhường.
Trong công việc, chúng tôi phát hiện ra rằng, các công ty châu Á thường có xu hướng thực hành tính khiêm nhường như một hành động để thể hiện đạo đức hay sự mộ đạo chứ không phải thực sự để đạt được thành công.
Rất nhiều người sẽ sẵn sàng "thể hiện" sự khiêm nhường trước cấp trên hoặc đồng nghiệp hơn tuổi, nhưng không dễ dàng nhận về mình "phần bánh khiêm nhường" khi có lỗi gì đó xảy ra.

Và tính khiêm nhường ở đây được thực hành một cách hết sức cực đoan khi ai đó sẵn lòng bỏ việc như một "dấu hiệu" thể hiện sự khiêm nhường thay vì chấp nhận sai lầm và ở lại để làm mọi việc trở nên tốt hơn. Vì vậy, việc thực hành sự khiêm nhường ở châu Á không thực sự thực tế mà dường như chỉ là một hình thức vỏ bọc để mọi người thực hành cho phù hợp với tình thế.

Hiện nay, khi châu Á có được nền tảng và những nguồn lực dồi dào để đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn, đây là thời điểm để vượt qua sự kìm kẹp của quá khứ và phát triển cách thức tư duy hoàn toàn mới.

Để làm được điều này sẽ là không đủ nếu chỉ xây dựng những tổ chức giàu có, mà còn cần cam kết giải phóng tất cả mọi người khỏi sự thờ ơ và trao quyền cho họ trở thành những con người tốt đẹp hơn. Dưới đây là 3 cách các DN tận dụng tính khiêm nhường để có thể hình thành thế giới:

1) Tái định nghĩa khái niệm "quyền lực"

Thông thường, quyền lực thường được trao cho những người có kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên, trong thời đại thay đổi không ngừng như hiện nay, một người chỉ nên được trao cho quyền lực nếu họ biết cách tốt nhất để khai thác những ý tưởng, sự hiểu biết, khả năng nhìn nhận vấn đề theo một cách hoàn toàn mới và biết cách xây dựng sự hợp tác.

Việc người lãnh đạo sử dụng cách thức tiếp cận chủ động để "hạ mình" nhằm khuyến khích nhân viên là vô cùng quan trọng, bởi ở rất nhiều môi trường văn hóa, số đông vẫn cho rằng việc nhân viên lên tiếng trước mặt ông chủ là không thể chấp nhận được.

Để đạt được điều này, người lãnh đạo không thể hy vọng sự khiêm nhường sẽ phát triển nếu không là người làm gương đầu tiên. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được điều này khi bạn thực hiện những cử chỉ tại nơi làm việc như: dịch chuyển bức tường giữa các nhân viên và người lãnh đạo, hoặc khi người CEO bước vào lặng lẽ và tự phục vụ đồ ăn như mọi nhân viên mà không chút phô trương...

2) Tái cơ cấu tổ chức không phải thay đổi các vị trí chức năng

Tái cơ cấu tổ chức phải xung quanh dòng chảy của thông tin. Đặc biệt quan trọng đối với các lãnh đạo cấp cao của tổ chức, bạn có đang nhận được những luồng thông tin cần thiết để thực hiện công việc của mình tốt hơn? Nếu như câu trả lời là chưa thì tốt hơn hết, bạn hãy đứng dậy và tới gần trung tâm của những hành động đang diễn ra.

Cũng như trong nhiều công ty châu Á, mỗi khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu tổ chức, một thực tế rất phổ biến là rất nhiều CEO không nhận thức được nhiều dòng thông tin, bởi cấu trúc tổ chức của họ không có khả năng đưa các thông tin liên quan trực tiếp đến người CEO.

Bởi vậy, việc phá vỡ những tập quán truyền thống và tạo ra những giây phút khi những người lãnh đạo bước xuống các phòng ban tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và lắng nghe các luồng thông tin là vô cùng quan trọng.

3) Không ngừng gắn kết liên tục để ngăn chặn những tòa tháp cô lập vươn lên

Để sự khiêm nhường phát triển, đòi hỏi nhiều hành động hơn những biểu hiện đơn thuần để thành công. Chúng tôi thực hành một tập quán thường niên có tên gọi Bonsai - nơi chúng tôi chia sẻ những đóng góp cho nhau, giúp từng cá nhân cải thiện và phát triển.

Bonsai được bắt đầu với thành viên ở vị trí cao nhất cho tới vị trí thấp nhất trong công ty. Tập quán này thực sự đã làm mới tất cả chúng tôi bởi nó tạo cho mọi người cảm giác rằng tất cả ở đây để làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Để đảm bảo rằng các tập quán này có ý nghĩa cho mỗi tổ chức, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát để đánh giá tính hiệu quả của việc truyền tải thông tin.

Khảo sát luôn chỉ ra rằng mọi người rất thiếu niềm tin vào tổ chức để tiếp nhận ý tưởng mới và thay đổi. Bất kỳ khi nào định nghĩa và "phiên dịch" những kết quả nghiên cứu này dưới góc độ tài chính, nó cho thấy các DN đang mất đi hàng triệu đô la mỗi năm bởi sự lo sợ không dám đối thoại và thay đổi.

Để đấu tranh với nỗi sợ hãi này, các DN cần nhận ra rằng, chỉ có thể thu lợi từ tính khiêm nhường nếu như không ngừng thực hành các tập quán và sử dụng những chỉ số đánh giá hiệu quả công việc để đẩy lùi sự xấu xa của tính ngạo mạn và tự cao.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây đã chứng minh sự ngạo mạn và tự cao có thể nguy hiểm như thế nào và không bao giờ là thừa nếu như chúng ta cố gắng khiêm nhường hơn nữa, nếu như chúng ta cố gắng vươn lên trở thành một thương hiệu có thể hình thành thế giới.

LAWRENCE CHONG, CEO Consulus (DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới