Hơn 20 năm sưu tập đồ cổ, đến nay, anh Đinh Công Tường (48 tuổi), ngụ đường Lê Văn Khương (quận 12, TP.HCM) sở hữu gần 100.000 món đồ.
“Vua cổ vật” bán báo dạo
Quê nội ở Bến Tre nhưng sinh ra ở Hà Nội. Năm 8 tuổi, anh Tường theo bố mẹ vào Sài Gòn lập nghiệp và sống tại căn nhà trong hẻm nhỏ ở đường Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM). Cuộc sống gia đình anh lúc đó rất khó khăn. Hằng ngày, ngoài thời gian đi học anh đi bán báo dạo, nước sâm ở các tuyến đường trung tâm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em.
Gần 25 năm sưu tầm cổ vật gốm sứ anh Tường được giới sưu tầm gọi là “vua gốm sứ” vì đang sở hữu gần 100.000 ngàn đồ cổ gốm sứ |
Sau khi rời quân ngũ, kinh tế gia đình vẫn còn khốn khó. Anh xin vào làm công nhân gom rác rồi chuyển qua làm in ấn. Đồng lương công nhân lúc đó ít ỏi không đủ chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Anh Tường nghỉ làm rồi kiếm đủ nghề từ bồi bàn, chạy xe rao mua đồ cũ đem bán ở “chợ trời” kiếm tiền lời đến bán đồng hồ dạo.
Những ngày tháng lăn lộn khắp nơi để kiếm tiền, anh Tường có dịp tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều giới. Trong đó có giới chơi cây cảnh và giới sưu tầm cổ vật gốm sứ, đây là những thú sưu tầm anh rất thích.
Những món đồ gốm sứ khiến nhiều người ngưỡng mộ |
Có tiền từ việc kinh doanh cây cảnh, anh hùn vốn với những người bạn chí cốt lập công ty buôn bán dây cáp. Cũng thời gian này, anh ngược xuôi các vùng miền của Việt Nam sưu tầm những món đồ gốm sứ để thỏa niềm đam mê của mình.
Anh Tường cho biết: “Năm 24 tuổi, khi về Hà Nội làm đám giỗ bà ngoại tôi được người cô tặng cho cái dĩa và một cái bát cổ nói để làm kỷ niệm. Từ khi được tặng 2 kỷ vật của bà tôi bắt đầu ngắm nghía, đam mê và sưu tầm đồ cổ”.
Anh Tường làm nhiều nghề từ bán nước sâm, báo dạo đến bán đồng hồ sau đó bén duyên với thú chơi đồ gốm sứ cổ |
Cũng có trường hợp anh đi cả chục lần mới mua được món đồ cổ anh thích. Khoảng 10 năm trước, trong lần đi Bến Tre, anh thấy có chiếc bình cổ thích quá nên hỏi chủ nhà mua. “Họ ra giá 80 triệu đồng rồi 150 triệu đồng nhưng khi người vợ đồng ý bán, người chồng lại không chịu. Hai vợ chồng đồng ý thì người con không chịu. Tôi nói chỉ mua về để trưng chứ không có kinh doanh. Tổng cộng đi lại 11 lần mới mua được chiếc bình cổ đó”, anh kể.
Những cổ vật vô giá
Anh Tường cho biết, anh sưu tầm những đồ gốm sứ còn lành lặn và cả những đồ sứt mẻ. Có lần đi làm từ thiện ở Tiền Giang anh thấy có cái bát mẻ trong nhà dân.
Biết bác cổ anh hỏi mua người phụ nữ trong nhà ngạc nhiên: “Khùng hả, chén bể cũng mua chi?”. Hôm sau anh lại đến nài nỉ, khi bà chủ chuẩn bị gật đầu, ông chồng say xỉn về tới nhà, quát: “Không mua bán gì hết”. Anh kể: “Tôi ra giá 25 triệu đồng, có bán không?. Người chồng tỉnh rượu ngay lập tức và đồng ý”. Theo anh Tường, chiếc bác đó là vật chỉ dùng trong cung đình ở Huế nhưng không biết sao lại lưu lạc đến đây.
Trong bộ sưu tập đồ cổ gốm sứ của anh có hàng trăm ngàn món đồ làm bằng gốm sứ như chén, bác, dĩa, bình uống nước…có niên đại từ thế kỷ 18. Có những món đồ anh mua giá từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu đồng. Cũng có những món vô giá phải như: tô triều đình Huế, tô một trăm chữ bùa, bình vuông, bình bát huệ tôn, cặp bình “độc nhất vô nhị” hình thoi với nước men trắng xanh cực hiếm, chiếc đĩa Mai Hạc của vua triều Nguyễn, cặp ngựa Biên Hòa…
Trong bộ sưu tập của mình, “vua gốm sứ” còn có những cổ vật gốm sứ có xuất xứ từ Trung Hoa, Singapo, Pháp, Nhật Bản, Hongkong... với niên đại từ thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 20.
Anh cho biết: “Bộ sưu tập này không chỉ được xem là kho tàng lưu trữ những giá trị văn hóa rất lớn mà còn là cơ sở để thế hệ trẻ sau này biết đến, giữ gìn và phát huy nền văn hóa lâu đời của dân tộc.”
Năm 2011, Trung tâm sách Kỷ lục gia Việt Nam công nhận anh Tường là người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam, khoảng hơn 80.000 đồ cổ gốm sứ. Hiện nay, số lượng đã lên gần đến 100.000 đồ cổ gốm sứ. Anh cũng được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là người sưu tập lục bình có số lượng nhiều nhất Việt Nam./.