Khô môi – một triệu chứng bệnh lý

Khi sức khỏe có vấn đề, hiện tượng khô hoặc nứt môi có thể là một trong nhiều triệu chứng cảnh báo.

Ví dụ, nếu chứng khô môi đi kèm với sốt, mắt và lưỡi đỏ, nổi hạch bạch huyết, da bàn tay và bàn chân bị sưng đỏ, đó có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh Kawasaki. Chứng bệnh này được biết thường xảy ra ở những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi, tuy nhiên y học chưa nhận định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Theo các chuyên gia, bệnh này rất nguy hiểm vì ngay cả khi được phục hồi, trẻ cũng có thể bị để lại các di chứng về tim.

Bên cạnh đó, tình trạng môi khô, nứt nẻ cũng có thể liên quan đến tình trạng thiếu hụt các loại vitamin B. Ví dụ, mặc dù không phải là triệu chứng điển hình, tuy nhiên môi bị nứt (đặc biệt ở khóe mép) có thể là dấu hiệu của tình trạng cơ thể thiếu hụt axít folic. Đôi khi, hiện tượng nứt môi còn có thể là triệu chứng của tình trạng thiếu hụt vitamin B2 (riboflavin). Những người lớn tuổi, những người bị các căn bệnh mãn tính và những người nghiện rượu là những đối tượng thường có nguy cơ cao bị nứt môi. Tình trạng thiếu hụt riboflavin có thể được chữa trị bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng hoặc cung cấp vào cơ thể các nguồn bổ sung vitamin.

Những thông tin trên chỉ giúp bạn nhận biết về vài tác nhân gây ra triệu chứng khô và nứt môi. Việc chẩn đoán chính xác bệnh cần phải được kiểm tra bởi bác sĩ. Bạn không nên tự ý chữa trị chứng khô và nứt môi khi chưa biết được cụ thể nguyên nhân gây ra vấn đề này.

Theo Nguyễn Niệm ( PN, Howstuffworks)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm