Từ đưa nhận hối lộ thành lừa đảo
Tháng 10-2011, cơ quan chức năng phát hiện tiếp viên đang bán dâm tại nhà nghỉ ở huyện Ea Kar do bà Phạm Thị Lán làm chủ. Bà Lán bị bắt tạm giam.
Chồng bà Lán là Triệu Đức Nhật làm quen và đưa cho Hằng 200 triệu đồng để “chạy án”. Nhưng Lán vẫn bị xử phạt năm năm tù về tội chứa mại dâm nên ông Nhật tố cáo sự việc. Sau thời gian khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ để điều tra, cuối cùng CQĐT VKSND Tối cao kết luận chỉ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hằng bị khởi tố về tội danh này.
Bị cáo Hằng tại phiên tòa. Ảnh: BPL
Tại phiên xử sơ thẩm lần một vào cuối năm 2014, TAND huyện Ea Kar tuyên phạt Hằng tám năm tù. Tại tòa Hằng khai đã đưa phần lớn số tiền trên cho nhiều lãnh đạo, cán bộ công an và kiểm sát huyện Ea Kar để “chạy án”. Nhưng HĐXX cho rằng những người bị tố cáo không thừa nhận nên lời trình bày của bị cáo không có cơ sở để chấp nhận.
Tháng 7-2015 xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định CQĐT VKSND Tối cao không ủy quyền cho VKSND tỉnh truy tố mà lại ủy quyền cho VKSND huyện Ea Kar (cơ quan có nhiều cán bộ bị bà Hằng tố cáo nhận tiền hối lộ) khiến hoạt động tố tụng thiếu vô tư, khách quan. Từ đó tòa tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND tỉnh giải quyết lại.
Tháng 10-2016, tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Đắk Lắk đã phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ nhiều tình tiết mới phát sinh.
Cụ thể, Hằng khai có bằng chứng, clip... liên quan đến hàng loạt cán bộ tố tụng nhận tiền của bị cáo. Hằng đề nghị tòa cho mình về trại giam (nơi bị cáo đang chấp hành án trong một bản án khác) để lấy một chiếc thẻ nhớ chứa nhiều nội dung, hình ảnh liên quan.
Sở dĩ trước đây bị cáo không cung cấp các chứng cứ này là vì trong thẻ nhớ có những “cảnh nóng” giữa bị cáo và ông L. Bị cáo cũng xin tòa được đối chất lời khai với những người liên quan trong vụ án. Theo bị cáo, hồ sơ có nhiều lời khai của những cán bộ tố tụng về đường dây “chạy án”, kèm chứng cứ cán bộ nhận tiền rất cụ thể.
Điều tra bổ sung có gì?
Tháng 5-2017, CQĐT Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp với nội dung mới.
Thứ nhất, về yêu cầu làm rõ có hay không chiếc thẻ nhớ mà bị cáo khai đang cất giữ ở trại giam và nội dung trong thẻ nhớ là gì, CQĐT xác định đã trích xuất và dẫn giải bị cáo đến trại giam để thu thập thẻ nhớ nhưng bị cáo không tham gia. Hằng khai thẻ nhớ này đã mất nên không cung cấp được cho CQĐT và luật sư. Luật sư của Hằng cũng chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ gì cho CQĐT.
Thứ hai, tòa yêu cầu làm rõ lý do khi viện trưởng VKSND huyện Ea Kar ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Lán thì ông viện phó có chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nữ viện trưởng (đã về hưu). CQĐT cho biết vị nữ viện trưởng khai không biết mã PIN của thẻ và cũng không dùng thẻ này. Theo đó, bà này chỉ ký vào thủ tục lập thẻ, còn việc nộp hồ sơ làm thẻ và nhận thẻ do ông viện phó làm và sử dụng thẻ…
Thứ ba, làm rõ lời khai của Hằng rằng việc trước ngày xử bị cáo, ông L. vào trại giam thăm, nhờ viết giấy ủy quyền cho ông được sang nhượng lô đất mà trước đây Hằng mua của ông. Ông L. nói là nếu CQĐT làm việc về việc “chạy án” cho bà Lán thì Hằng khai né ông ra. CQĐT xác định ông L. khai chỉ vào để hỏi thăm sức khỏe và ký giấy tờ ủy quyền. Khi cho đối chất cũng không làm rõ được lời khai này.
Thứ tư, về việc làm rõ các nội dung cuộc gọi, tin nhắn và dữ liệu bị xóa trong điện thoại của ông L., CQĐT xác định yêu cầu bổ sung này không liên quan vụ án.
Bị hại nói Hằng không lừa đảo Trình bày với HĐXX tại phiên xử sơ thẩm lần hai vào tháng 10-2016 tại TAND tỉnh, ông Nhật nhiều lần khẳng định bà Hằng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Theo ông Nhật, mỗi lần bà Hằng cùng ông L. đi gặp những người có thẩm quyền đều báo cho ông biết để tới chứng kiến. Do đó ông đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại vụ án đưa, nhận, môi giới hối lộ. |