Không đăng ký kết hôn, có phải thử ADN khi làm khai sinh cho con?

(PLO)- Cha mẹ không đăng ký kết hôn, nếu người cha muốn đứng tên trên giấy khai sinh của con thì phải chứng minh được mối quan hệ cha con.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi và vợ có tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn. Vợ tôi sinh con được gần 2 tháng nhưng bé chưa có giấy khai sinh. Tháng trước vợ chồng tôi có lên UBND phường để làm khai sinh cho con nhưng cán bộ tư pháp hướng dẫn do chúng tôi không đăng ký kết hôn nên thông tin cha trong giấy khai sinh của bé sẽ để trống. Muốn có đủ thông tin cha mẹ thì về làm xét nghiệm ADN bổ sung vô hồ sơ. Tôi nghe nói việc xét nghiệm ADN tốn nhiều tiền và hơi phức tạp. Luật sư cho tôi hỏi cách nào để tôi được có tên trên giấy khai sinh của con mà không cần xét nghiệm ADN hay không?

Bạn đọc Trung Hoàng (quận Phú Nhuận, TP. HCM)

Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP. HCM, trả lời: Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Khi đăng ký khai sinh, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp và xuất trình các giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, bao gồm:

Tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con (trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài).

Một trong các giấy tờ tùy thân để chứng mình về nhân thân như hộ chiếu, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng,...

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn mà người cha muốn được đứng tên trên giấy khai sinh của con thì vào thời điểm đăng ký khai sinh phải chứng minh được quan hệ cha con theo quy định tại theo khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch 2014.

Căn cứ Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020 có nêu rõ về chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành; trường hợp hai bạn chưa đăng ký kết hôn và không có kết quả xét nghiệm, giám định ADN thì khi làm giấy khai sinh cho con, các bạn phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con kèm chữ ký xác nhận của ít nhất 2 người làm chứng (người làm chứng có thể là ông, bà, cô, dì, chú, bác của hai bên nội ngoại). Đồng thời, các bạn có thể gửi thêm các hình ảnh, video lúc tổ chức đám cưới,…Khi đó thông tin về người cha sẽ được chấp nhận ghi vào giấy khai sinh của con. Sau khi đã nộp và xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy khai sinh cho con của bạn theo đúng quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm