Nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu quan điểm như vậy khi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về những biến động trên thị trường xăng dầu nội địa những ngày đầu năm 2018.
Từ 1-1-2018, mặt hàng xăng phổ biến trên thị trường được nhiều người sử dụng lâu nay là A92 đã bị khai tử. Trên thị trường hiện nay chỉ có hai mặt hàng xăng phổ biến là A95 và xăng sinh học E5. Trong mấy ngày qua, các DN đã tăng giá xăng A95 lên mức cao hơn xăng E5 là 2.000 đồng/lít.
Đặc biệt, xăng A95 lại không nằm trong danh sách mặt hàng xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính công bố giá trần và bình ổn trong các kỳ điều hành.
Hay nói cách khác, giá xăng A95 đã được “thả nổi” cho DN tự tính toán và quyết giá bán lẻ. Trong khi giá xăng E5 lại thuộc diện cơ quan điều hành định giá và được sử dụng quỹ bình ổn giá. Điều này sẽ không công bằng với những người “xài” xăng A95.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của quốc gia, nằm trong diện bình ổn giá. Quan trọng hơn thị trường xăng dầu Việt Nam đang ở vị thế nhóm DN thống lĩnh thị trường nên cần có sự định giá của Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng những năm qua khi công bố giá cơ sở xăng dầu liên bộ Công Thương - Tài chính thường chỉ công bố xăng khoáng A92 và xăng sinh học E5. Nay khi A92 không còn bán trên thị trường nhưng tồn tại loại xăng A95. Vì thế việc không công bố giá cơ sở xăng A95 là không hợp lý và cần phải được thực hiện để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; đồng thời giúp người tiêu dùng có thể giám sát, tức thực hiện quyền chính đáng của họ. Nếu không công bố giá cơ sở xăng A95, người dân không thể giám sát giá bán của các cây xăng.
Quan trọng hơn, hiện nay mặt hàng xăng A95 không được sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu khi có biến động giá. Trong khi đó quỹ này không phải lấy từ ngân sách nhà nước mà là tiền của người tiêu dùng trích ra trong mỗi lít xăng. Sẽ không công bằng khi người dân đã bỏ tiền đóng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại không được hưởng cơ chế hỗ trợ với xăng A95.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình quan điểm giá xăng A95 cần được minh bạch, công khai giá như các loại xăng dầu khác trên thị trường. Từ trước đến nay liên bộ Công Thương - Tài chính là cơ quan điều hành giá xăng dầu, việc quy định điều chỉnh A95 cũng là trách nhiệm của hai cơ quan này. Không có lý do gì để cho DN tự ý điều chỉnh nâng giá xăng được, kể cả xăng A95, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự.
Bên cạnh đó, liên bộ Công Thương - Tài chính cần công bố sản lượng tiêu thụ A95, chiếm tỉ lệ bao nhiêu thị phần tiêu dùng để có chính sách phù hợp với loại xăng này.