Theo Chỉ thị 33 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ban hành ngày 20-8-2020, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Một thay đổi, nhiều lợi ích
Ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3 (quận Gò Vấp), nhìn nhận rằng thời gian qua nhiều công sở tại TP.HCM đã nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cụ thể như tại UBND phường 3, từ năm 2019 đã có nhiều đổi mới trong việc nói không với sản phẩm nhựa.
Theo ông Bình, hiện mỗi cán bộ, viên chức đều cam kết không sử dụng ly nhựa, chai nước uống nhựa, túi nylon... tại ủy ban phường.
Thay vào đó, cán bộ, viên chức được cấp ly sứ và bình chứa nước để sử dụng.
Tại sảnh, phòng tiếp dân của UBND phường cũng đặt những bình nước lớn kèm ly thủy tinh để người dân sử dụng mỗi khi có việc liên hệ.
Trong các buổi họp, hội nghị hay nhiều hoạt động, sự kiện tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của những sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngay cả băng rôn, khẩu hiệu tại UBND phường 3 cũng được thay thế bằng bảng điện tử để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần rồi xả rác ra môi trường.
Cũng theo ông Bình, TP.HCM đang chuyển đổi, vận động toàn dân thay đổi thói quen dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Do đó, từ trong cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức cần có những thay đổi tích cực để làm gương tốt cho người dân.
“Trong sinh hoạt tại công sở, người cán bộ phải ý thức hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa để người dân nhìn thấy và dần dần làm theo” - ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Dương Quang Hiển, Phó Chủ tịch UBND phường 9 (quận Phú Nhuận), nhận định thời gian qua, việc không sử dụng đồ dùng nhựa không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp UBND phường trở nên thân thiện hơn trong mắt người dân.
“Nhiều người dân ý thức không sử dụng sản phẩm nhựa nên khi thấy chúng tôi đặt những ly uống nước bằng thủy tinh hay bằng giấy cho người dân, cán bộ sử dụng, họ rất thích. Qua đó chúng tôi cũng vận động người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần” - ông Hiển cho biết.
Cũng theo ông Hiển, thời gian đầu nhiều người dân đến UBND phường vẫn chưa quen với việc sử dụng ly thủy tinh hoặc ly giấy. Vì sợ nhiều người phải dùng chung một ly, không hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, UBND phường bố trí nhiều ly thủy tinh để người dân sử dụng, cũng như có nhân viên thường xuyên vệ sinh các ly, đồng thời tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa giúp người dân thay đổi thói quen.
Người dân phường 9 (quận Phú Nhuận) dùng túi vải đi chợ thay cho túi nylon. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Phường khuyến khích dân xóa túi nylon
Không chỉ công sở không sử dụng sản phẩm nhựa, thời gian qua nhiều mô hình giảm thiểu rác thải nhựa ra đời ở TP.HCM.
Đơn cử, gần sáu tháng qua, nhiều người dân tại phường 9 (quận Phú Nhuận) đã quen với việc sử dụng những chiếc túi vải, thay thế cho túi nylon khi mua sắm hàng hóa.
Đây chính là thành quả của mô hình “Cỏ xanh đi chợ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 9 phát động.
Bà Phan Thị Hương Thơm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 9, cho biết hội đã sản xuất hơn 14.000 túi vải để phát miễn phí cho người dân và tiểu thương tại các chợ trên địa bàn phường.
Mỗi túi có giá trị 19.500 đồng, làm từ chất liệu vải có thể tái sử dụng và dễ phân hủy. Bước đầu, túi được phát cho hội viên, mỗi hội viên nhận một túi, mỗi tiểu thương nhận 10 túi. Các tiểu thương phải sử dụng túi để đựng thực phẩm cho khách hàng quen.
“Túi rất tiện lợi trong sử dụng, hàng hóa được bảo quản mà không phải dùng túi nylon. Qua đó, người dân hiểu được việc hạn chế sử dụng túi nylon, góp phần bảo vệ môi trường” - bà Thơm nhận định.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3 (quận Gò Vấp), cho biết thời gian qua hội đã phát động phong trào đan móc túi len đi chợ để hạn chế việc sử dụng túi nylon.
Đồng thời, hội cũng tổ chức thu gom hộp sữa, chai nhựa hằng tuần để tái chế thành dụng cụ học tập hay chậu trồng cây trong trường học, trụ sở UBND phường.
Không cấp kinh phí khi dùng sản phẩm nhựa Từ tháng 7-2019, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 3098 thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Theo kế hoạch này, từ năm 2020, Sở Tài chính TP.HCM sẽ không bố trí kinh phí cho cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cho các khoản chi để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần. UBND TP cũng đặt mục tiêu đến hết ngày 31-12-2020 có 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy. Đối với tiểu thương tại các chợ dân sinh thì mục tiêu TP đặt ra là giảm 50% sử dụng túi nylon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Đồng thời, TP khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường. |