Tháng 3-2011, ông N. đã ủy quyền cho bà H. toàn quyền định đoạt một căn nhà tại quận 11, TP.HCM. Sau đó, bà H. bán căn nhà với giá 16,5 tỉ đồng nhưng lấy lý do cần trừ một khoản nợ nên chỉ đưa cho ông N. 10,5 tỉ đồng. Từ đó ông N. khởi kiện, yêu cầu bà H. phải trả nốt cho ông 6 tỉ đồng. Ngày 3-3-2017, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM thụ lý vụ kiện.
Luật không quy định hòa giải mấy lần
Sau đó, ông N. thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa xác định các giao dịch chuyển dịch căn nhà trên là vô hiệu, buộc bà H. phải trả lại căn nhà và ông sẽ trả lại 10,5 tỉ đồng. Phía bà H. không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn...
Theo bà H., TAND quận Bình Thạnh đã mời bà đến hòa giải với ông N. vào các ngày 22-12-2017, 5-9-2018, 26-9-2018, 7-12-2018, 3-4-2019 (có giấy triệu tập). Tại các buổi này, việc hòa giải đều không thành nhưng sau đó tòa vẫn nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà tiếp tục đến hòa giải. Bà H. cho rằng việc tòa liên tục mời hòa giải làm mất thời gian và mệt mỏi vì hai bên đã mâu thuẫn trầm trọng và thể hiện ý kiến giữ nguyên quan điểm. Từ đó bà đã có văn bản đề nghị tòa không hòa giải nữa mà nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử vì vụ án đã kéo dài hơn hai năm.
Theo ThS Huỳnh Quang Thuận, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, Điều 10 và Điều 205 BLTTDS 2015 quy định tòa án có trách nhiệm hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau. Đây là một nguyên tắc cơ bản và việc hòa giải đem lại nhiều lợi ích cho cả đương sự và tòa án nếu các bên có tiếng nói chung.
Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể về số lần hòa giải mà tòa án có thể tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án. Theo hướng dẫn của TAND Tối cao tại tiểu mục 14 mục IV Văn bản giải đáp số 01/2017 ngày 7-4-2017 thì về cơ bản, tòa có thể tiến hành hòa giải nhiều lần.
Trong khi Điều 206 và Điều 207BLTTDS 2015 lại quy định một số trường hợp không được hòa giải và không hòa giải được. Đáng chú ý tại khoản 4 Điều 207 quy định trường hợp “một trong các đương sự đề nghị không hòa giải” thì được coi là tòa án không hòa giải được. Đây là quy định mới thể hiện nguyên tắc tự định đoạt của đương sự trong quan hệ dân sự. “Luật đã quy định đương sự được từ chối hòa giải mà tòa cứ yêu cầu hòa giải nhiều lần làm cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự” - ThS Thuận nói.
Căn nhà có tranh chấp trong vụ kiện. Ảnh: YẾN CHÂU
Phải tôn trọng quyền tự định đoạt
Luật sư (LS) Bùi Trần Nhật Vi, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng không quy định cụ thể số lần hòa giải là quy định mở. Điều này tạo chủ động cho thẩm phán tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của từng loại tranh chấp sẽ cho hòa giải bao nhiêu lần. Tuy nhiên, quy định mở lại là “con dao hai lưỡi” nếu nó bị lợi dụng để kéo dài và đi ngược với nguyên tắc phải giải quyết vụ án nhanh gọn.
Vì thế quy định tại khoản 4 Điều 207 là tiến bộ khiến thủ tục hòa giải không bị lạm dụng. Khi một trong các đương sự đề nghị không hòa giải thì thẩm phán phải tôn trọng quyền tự định đoạt của họ và lập biên bản về việc hòa giải không thành để đưa vụ án ra xét xử thay vì tiếp tục hòa giải.
Đồng tình, LS Nguyễn Việt Quốc, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng quy định này phù hợp với thực tiễn xét xử vì không ít vụ tòa “hành” các bên bằng việc hòa giải kéo dài. Nó cũng thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của đương sự vì “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Khi một trong các đương sự đề nghị không hòa giải là họ đã thể hiện ý chí bản thân họ không muốn, không có thiện chí. Lúc này việc tòa có hòa giải nhiều lần thì cũng chỉ là hình thức, mất thời gian của các bên và kéo dài thời gian giải quyết vụ án nhưng không hiệu quả.
Hôm nay tòasẽ mời đương sự đến Ngày 10-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, đại diện TAND quận Bình Thạnh cho biết vụ án vẫn đang trong giai đoạn xác minh, thu thập chứng cứ. Theo đó, tòa vừa nhận được một số kết quả xác minh từ hai văn phòng công chứng. Ngày 18-7, tòa sẽ mời các bên đến công bố kết quả thẩm định giá tài sản. Cạnh đó, tòa cũng đã có văn bản yêu cầu một văn phòng công chứng khác cung cấp tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng căn nhà đang tranh chấp nhưng chưa nhận được phản hồi. Về việc hòa giải, đại diện TAND quận Bình Thạnh cho rằng đã tiến hành theo đúng quy trình, nếu bà H. không yêu cầu hòa giải nữa thì tòa sẽ giải quyết theo đúng quy định. |