Không thu nợ bằng mọi cách với các khách hàng bị thiệt hại do bão

(PLO)- Ngoài giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách với khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơn bão đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau bão số 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 7417 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.

Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn.

Ngành nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng nề

Cập nhật sơ bộ về tình hình thiệt hại của khách hàng tại các tổ chức tín dụng sau bão, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Cơn bão số 3 đã làm cơ sở vật chất của hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại và hư hỏng.

Qua nắm bắt nhanh, đến hết ngày 10-9 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng chịu ảnh hưởng của bão. Con số này tương đương 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn. Đáng chú ý, một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề, thậm chí bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản".

Tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hải Phòng, thông tin: "Báo cáo nhanh ghi nhận có tổng cộng 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỉ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Thiệt hại do bão tập trung vào các ngành nghề như chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…".

Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại không thu nợ bằng mọi cách với khách hàng bị thiệt hại nặng nề tại Quảng Ninh và Hải Phòng
Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại không thu nợ bằng mọi cách với khách hàng bị thiệt hại nặng nề tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Ảnh: T.L

Trước tình hình thực tế trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Cơn bão đi qua để lại nhiều khó khăn, mất mát. Nhiều nơi ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, sau bão là lũ lụt, sạt lở… người dân đang trong cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại cả về tài sản, con người, có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Vì vậy, trách nhiệm của ngành ngân hàng là chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ trong vấn đề vay vốn để người dân có cơ hội làm ăn, sản xuất lại. Từ đó mới có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng”.

Ngân hàng phải là chỗ dựa cho người dân, doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ.

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank chia sẻ: "Theo thống kê ban đầu, có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỉ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù, tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống".

Đại diện ngân hàng BIDV, ông Lê Trung Thành - Phó Tổng Giám đốc nói: "Ngân hàng liên tục cập nhật thông tin từ các chi nhánh ở hai địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và một số nơi khác để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng. BIDV coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi… ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão".

Các chi nhánh ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm bắt đề xuất của khách hàng. Đồng thời trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc, xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…

Ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chỉ đạo việc thống kê thiệt hại của bão số 3 trên địa bàn, đảm bảo các chính sách của NHNN về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ khách hàng nhưng không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc đề nghị NHNN chi nhánh nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với địa phương của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm