Kịch Sài Gòn tràn ra vùng ven

Có một thực tế là lượng khán giả ở các sân khấu kịch nổi tiếng, lâu năm ở các quận nội thành của Sài Gòn như quận 1, quận 3, quận 10 đều đang có sự sụt giảm. Tình trạng khán phòng trống một nửa thường xuyên diễn ra. Việc ra vở mới ở nhiều sân khấu cũng ít hơn hẳn các năm.

Truyền hình bao vây, khó tứ bề

Nguyên nhân khó khăn được các ông bà bầu cho rằng truyền hình đang bao vây và giết dần sân khấu như đã làm thoi thóp các sân khấu ca nhạc và giết chết hoạt động tấu hài. Một ông bầu sân khấu than rằng cứ mở tivi lên là có đủ thứ chương trình giải trí miễn phí để khán giả bị giữ chân ở nhà. 10 năm trở lại đây, sân khấu chỉ bị mất khán giả, mất diễn viên bởi phim truyền hình. Bây giờ nở rộ các chương trình truyền hình thực tế từ ca nhạc, game show, đến nhảy múa…, sân khấu càng te tua hơn. Không chỉ mất diễn viên dàn bao cứng cựa chạy show đóng phim truyền hình như trước đây, các sân khấu đang mất dần nhiều ngôi sao hài, nghệ sĩ nổi tiếng là cái tên bán vé của mình. Kịch IDECAF đang vắng dần Lê Khánh, Đại Nghĩa…; Kịch Phú Nhuận cũng vắng dần Thái Hòa, Thanh Vân…; Kịch Nụ Cười Mới mất hút Hoài Linh, Trường Giang… Bởi, để câu quảng cáo, các chương trình truyền hình thực tế đã lôi kéo các ngôi sao khắp các lĩnh vực, làm đủ các chiêu trò để tăng lượng người xem khiến sân khấu đã lép vế thì càng thêm lép vế. Sân khấu không thể giữ được danh hài và diễn viên tên tuổi bởi tiền các bầu sân khấu trả cho các ngôi sao hài, các nghệ sĩ kịch nổi tiếng là cái tên bán vé của sân khấu mình thua gấp nhiều lần tiền họ nhận được từ các show truyền hình thực tế.

Bị ép tứ bề như thế, vậy mà các bầu sân khấu còn cho biết gần đây nhiều kênh truyền hình, nhiều công ty truyền thông làm các chương trình truyền hình còn “dụ dỗ” nhiều sân khấu lớn bán sóng những vở nổi tiếng, ăn khách của họ để làm chương trình truyền hình thực tế. Nhưng các ông bà bầu sân khấu đã kiên quyết nói không với những “lời đề nghị khiếm nhã” nhưng đầy cám dỗ này. Bởi các bầu sân khấu cho rằng làm như thế chẳng khác gì tự mình giết mình, tự mình hại mình chết cho nhanh. Các ông bà bầu sân khấu vẫn kiên định: Khán giả có giảm sút nhưng sân khấu nào thành danh là đã có khán giả riêng của mình rồi nên vẫn trụ lại được trong khó khăn.

 
Các diễn viên trẻ trong vở kịch kinh dị Người tình trong đêm ở sân khấu Sao Minh Béo, quận 11.

Tận tâm phục vụ người lao động vùng ven

Có một điều lạ là sân khấu đang khó tứ bề như thế nhưng các sân khấu mới vẫn liên tục ra đời. Sân khấu Sao Minh Béo ra mắt chưa bao lâu thì nghệ sĩ Ngọc Trinh cho ra mắt nhóm kịch của mình diễn tại rạp Công Nhân đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Ngọc Trinh vừa gặp trục trặc về hợp đồng với đối tác là Nhà hát Kịch TP.HCM thì ông bầu - đạo diễn Nguyên Đạt đã nhanh chóng thay chỗ Ngọc Trinh ra mắt sân khấu Sen Việt tại rạp Công Nhân. Nhóm kịch của nghệ sĩ Lê Hay gặp khó khăn khi hoạt động tại Nhà văn hóa thiếu nhi Gia Định thì dời về hoạt động tại một địa điểm ở quận Tân Phú. Ông bầu Bảo Anh sau khi không thành công với sân khấu Kịch Thuần Việt ở quận 2, TP.HCM liền không lâu sau cho ra đời sân khấu Kịch CTM ở đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy là các sân khấu mới ra đời sau này như Sao Minh Béo, Lê Hay, Thuần Việt, CTM đều chọn những quận tương đối xa trung tâm TP để lập nghiệp. Ông bầu Minh Béo khi mở sân khấu ở quận 11 bộc bạch: “Tôi muốn hướng đến những người dân nghèo lao động ít có điều kiện đến xem kịch ở các quận nội thành với một chi phí khá cao so với thu nhập. Tôi muốn phục vụ đối tượng này với sân khấu có giá vé vừa túi tiền”. Ông bầu Bảo Anh khi mở sân khấu Thuần Việt và CTM thì cho biết: “Ở các quận xa trung tâm TP hiện nay sự đô thị hóa đã diễn ra rất mạnh. Đời sống người dân đã văn minh, hiện đại, khấm khá hơn nhưng họ không có nơi để hưởng thụ những giá trị văn hóa, giải trí khá cao cấp như xem kịch của các khán giả vùng nội thành. Tôi muốn hướng tới những khán giả mới này”.

Chọn lập nghiệp ở những quận xa trung tâm, để tránh khó khăn bước đầu, các sân khấu mới đã nhắm đến mục tiêu lý tưởng là các khán giả nhí. Hầu như sân khấu xa trung tâm nào cũng chú trọng khai thác mảng kịch thiếu nhi. Sân khấu của Lê Hay chuyên hẳn về kịch thiếu nhi. Sân khấu CTM lập hẳn một nhóm bài bản cho kịch thiếu nhi với tên gọi Gia đình Alu với các thành viên: Alu anh cả, Alu hài hước, Alu thông thái, Alu xí xọn, Alu mít ướt. Kịch Sao Minh Béo cũng chịu khó đầu tư cho các vở kịch thiếu nhi của mình sánh được với các vở kịch thiếu nhi của các sân khấu lớn ở trung tâm TP. Dù giàu hay nghèo cha mẹ vẫn ưu tiên cho con và muốn con được vui chơi giải trí cuối tuần như đi xem kịch. Điều đáng ghi nhận là hầu hết vở kịch thiếu nhi của các sân khấu mới xa trung tâm đều có chất lượng khá, chú trọng tính giáo dục bên cạnh tính giải trí.

NSND Hồng Vân: Sân khấu nói chung và người dân đều được lợi

“Việc có thêm nhiều sân khấu mới, đặc biệt là các sân khấu mới đó chọn ra mắt ở những quận xa trung tâm Sài Gòn là điều rất đáng mừng, rất có lợi cho sân khấu TP.HCM và cả người dân nữa. Sân khấu càng có thêm nhiều điểm diễn thì càng vững mạnh, phong phú, anh em nghệ sĩ có nhiều chỗ để làm nghề. Có thêm sân khấu mới, người dân những quận xa có thêm điểm giải trí lành mạnh, có tính văn hóa, đời sống tinh thần nâng cao. Điều này nên khuyến khích”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm