Gần đây, trong chỉ đạo chuyên môn đầu năm học, Sở GD&ĐT TP.HCM đã lưu ý giáo viên hạn chế áp dụng kiểm tra bài cũ đầu giờ học bằng hình thức kiểm tra miệng. Thông tin này khiến dư luận tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau.
Báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết của cô Vũ Thị Mừng - Giáo viên trường THCS Phan Bội Châu, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.
Làm thế nào để kiểm tra, đánh giá học sinh hiệu quả nhưng không gây áp lực cho các em là một vấn đề mà nhiều giáo viên quan tâm, trong đó có tôi.
Theo cách kiểm tra, đánh giá truyền thống trước đây, đặc biệt là kiểm tra bài cũ, giáo viên thường gọi học sinh lên bảng trình bày lại những nội dung bài học trước và đối với học sinh khá, giỏi thì đan xen thêm những câu hỏi liên hệ, mở rộng.
Dù cách kiểm tra này rèn luyện cho học sinh có ý thức nghiêm túc học tập nhưng có vẻ hơi khuôn mẫu, nhiều khi các em chỉ lặp lại những điều đã học thuộc lòng mà không có nhận thức và thấu cảm về vấn đề đó.
Tôi cho rằng cách kiểm tra, đánh giá theo tinh thần mới của Bộ Giáo dục là một “làn gió mới” đối với học sinh. Qua việc sử dụng phong phú hình thức kiểm tra, đánh giá; giáo viên sẽ tạo ra môi trường học tập thân thiện, không gò bó, trên cơ sở đó hình thành được năng lực, phẩm chất cho các em, giúp các em vận dụng vào thực tế cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Là giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn, tôi ưu tiên cách kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức như cho các em vẽ tranh, viết thư, kể chuyện, cụ thể hoá văn bản bằng một tiểu phẩm…Có nghĩa là tôi sẽ kiểm tra kiến thức các em trong suốt quá trình dạy và học chứ không nhất thiết là đầu tiết học.
Ví dụ khi dạy văn bản “Bức tranh của em gái tôi” trong chương trình Ngữ văn 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tôi đã kiểm tra, đánh giá bằng cách cho học sinh viết thư.
Tôi cho học sinh chuẩn bị bài ở nhà là đọc văn bản, sau đó đóng vai nhân vật người anh, viết một bức thư ngắn khoảng 200 chữ gửi cho mẹ, chia sẻ với mẹ về cảm xúc của mình khi em gái đã vẽ mình như vậy.
Đến phần hoạt động vận dụng, mở rộng của tiết học đó, tôi cho học sinh trình bày trước lớp bức thư ấy và lấy điểm luôn. Theo tôi, cách kiểm tra, đánh giá như trên sẽ cho học sinh cơ hội thoải mái bộc lộ cảm xúc, không bị áp lực. Qua đó, tôi vừa đánh giá được học sinh nắm bài đến mức độ nào để điều chỉnh, vừa hình thành cho các em năng lực giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ; phát triển phẩm chất nhân ái. Như vậy, trong tiết học kế tiếp, tôi không cần phải kiểm tra bài cũ của học sinh nữa vì đã kết hợp đánh giá ở cuối tiết trước rồi.
Một ví dụ khác nữa là tôi cho học sinh chọn một chi tiết nào đó trong văn bản, sau đó vẽ thành một bức tranh và giải thích vì sao lại vẽ chi tiết đó trước lớp. Tôi cũng sẽ ghi điểm cho các em trong những trường hợp này. Như danh họa Pablo Picasso từng nói: “Tôi vẽ sự vật như tôi nghĩ về nó, không phải như tôi nhìn thấy nó”. Cụ thể hoá chi tiết trong tác phẩm thành tranh là học sinh được tự do chia sẻ cảm nhận của bản thân, không bị động khi cảm thụ tác phẩm.
Tôi thấy rằng học sinh cũng rất hứng thú với hoạt động như thế này. Tôi còn nhớ một lần, sau khi dạy bài “Mây và sóng”, hôm sau tôi gọi một học sinh có học lực trung bình lên bảng để kiểm tra bài cũ với câu hỏi đơn giản là: “Em hãy nêu nội chính của văn bản “Mây và sóng” và Thông điệp mà văn bản gửi đến chúng ta là gì?”.
Nghe xong câu hỏi, em đứng im trong giây lát rồi gãi đầu nói với tôi: “Thưa cô, em chưa học bài”. Mặc dù, trong lòng không vui nhưng vẫn nhẹ nhàng nói với em rằng về nguyên tắc, em không học bài cô sẽ ghi em 0 điểm nhưng cô cho em nợ, bây giờ em về đọc lại văn bản, chọn một chi tiết nào đó em thích và vẽ thành tranh.
Tiết học hôm sau tôi nhận được tranh của em, dù nét vẽ đơn giản bằng bút chì nhưng nhìn vào tranh tôi thấy hình ảnh một người phụ nữ và đứa trẻ đang ngồi trước một bãi biển. Em giải thích rằng đây là chi tiết em bé từ chối lời mời của sóng ở nhà với mẹ và tạo ra trò chơi có sóng và mẹ. Tôi hỏi vì sao em vẽ chi tiết đó thì em trả lời rằng điều đó thể hiện em bé yêu mẹ. Rõ ràng, chỉ thay đổi một chút cách thức kiểm tra, tôi đã giúp em tiếp thu được kiến thức một cách thoải mái, chủ động hơn. Vì thế tôi luôn coi trọng hình thức kiểm tra, đánh giá này.
Tại sao phải biến giờ trả bài thành thời gian khủng hoảng với học sinh trong khi ta có thể kiểm tra học sinh mà như không hề kiểm tra!