Trường đại học kiến nghị chính sách để tự chủ thực sự

(PLO)- Làm việc với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kiến nghị nhà nước tạo chính sách, cơ chế phù hợp để các trường đại học được tự chủ thực sự.

Sáng 21-9, sau khi tham dự lễ khai giảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM về công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung, nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông nói riêng.

"Chỉ cần có chính sách, mọi việc khác trường tự lo"

Theo báo cáo, trường hiện đang đào tạo cả 3 cấp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, đảm bảo quy mô ổn định khoảng gần 15.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.

tu-chu-thuc-su.JPG
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết, đầu vào của trường luôn được duy trì với điểm chuẩn rất cao đặc biệt ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện. Thống kê cho thấy, 80% sinh viên chuyên ngành ra trường có việc làm.

“Sinh viên của trường được đào tạo trong nền tảng khoa học xã hội nhân văn, chú trọng tính liên ngành nên được các nhà tuyển dụng đánh giá khả năng sáng tạo” – bà Lan nói.

"Thủ khoa của trường năm nay là tân sinh viên của ngành triết học với 29 điểm. Điều đáng nói em chỉ đặt 1 nguyện vọng duy nhất. Trong nhiều năm qua Đại học Quốc gia TP.HCM và trường có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên theo học những ngành khoa học cơ bản như hỗ trợ học phí" - bà Lan bày tỏ.

Bà Lan chia sẻ khó khăn của trường hiện nay là nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ, cơ cấu tổ chức bộ máy trường thời gian qua có nhiều thay đổi và biến động bởi ảnh hưởng của Nghị định 50 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư tham gia chủ trì xây dựng chương trình đào tạo.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho biết thêm, khi thực hiện tự chủ, chi phí đào tạo đều dồn vào nguồn thu học phí. Điều này đặt ra bài toán trong việc cân bằng giữa đào tạo những ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội và ngành khoa học cơ bản phục vụ cho quá trình lâu dài. Để giải bài toán trên, trường cũng chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác.

“Các trường đại học phải có sự tự chủ thực sự do đó nhà trường kiến nghị nhà nước tạo cơ chế, chính sách phù hợp. Chỉ cần có chính sách, tất cả những việc khác trường sẽ tự lo” – bà Lan nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí theo xu thế mới

Ông Trương Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, cho biết cuộc làm việc thẳng thắn, cởi mở với nhiều ý kiến, kiến nghị được đề xuất. Sắp tới đây có nhiều buổi làm việc để tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xuất bản, công tác truyền thông, báo chí.

tu-chu-thuc-su-1.JPG
Ông Trương Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng ban tuyên giáo trung ương trân trọng các báo cáo của các đại biểu đã đề cập về thực trạng công tác báo chí xuất bản, công tác đào tạo báo chí trong thời đại hiện nay.

Theo Trưởng ban tuyên giáo trung ương, báo chí là lực lượng rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, là công cụ sắc bén của Đảng, là một diễn đàn về chính trị, văn hóa, tinh thần của nhân dân…Trong nghị quyết Đại hội 13 đề cao việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, đội ngũ phóng viên nhà báo vừa có bản lĩnh, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ trong môi trường báo chí hiện đại.

tu-chu-thuc-su-2.JPG
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh; NGUYỄN QUYÊN

Do đó, công tác quản lý, đào tạo của nhà trường phải bảo đảm gắn liền với thực tiễn, để tạo ra đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời đến công chúng.

Về đổi mới chương trình đào tạo, Bộ GD&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện khung chương trình chuẩn. Mỗi đơn vị đào tạo sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện công tác đào tạo, tăng cường tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…

Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương cũng lưu ý Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ GD&ĐT ghi nhận, tổng hợp những thực trạng, các kiến nghị, đề xuất để có những giải pháp cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm