Sáng 21-9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024.
Tham dự lễ khai giảng có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm học vừa qua nhà trường bước vào giai đoạn tự chủ với nhiều thử thách. Dù có nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường đã nỗ lực vượt qua để đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm học vừa qua.
“Năm học mới này, nhà trường tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học đến phục vụ cộng đồng, trong bối cảnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ.
Cùng với sự nỗ lực của tập thể giảng viên, viên chức, người lao động của trường, những đại diện của thế hệ Gen Z với sự thông minh, tự tin, năng động sẽ dùng sức trẻ và những lợi thế thời đại của mình, không ngừng phấn đấu để đóng góp và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Người Nhân Văn. Đó là “Sáng tạo - Dẫn Dắt - Trách nhiệm” - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương trân trọng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong chặng đường hơn 65 năm qua, cũng như những thành tích, dấu ấn nhà trường đã đạt được trong năm học 2022 - 2023 vừa qua.
Phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, để thực hiện tốt vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, trong năm học 2023 - 2024 và thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạo đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Nỗ lực phấn đấu đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm cơ sở giáo dục, đào tạo ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và có vị thế nhất định trong nhóm cơ sở giáo dục, đào tạo hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Đổi mới quản trị Nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới, đột phá mới về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học Nhà trường có thế mạnh. Nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước. Đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế, hội nhập với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế. Tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung vào nghiên cứu lí luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển..
Thứ tư, nhà trường cần đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động, sáng tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là yếu tố then chốt, là nguồn lực quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của Nhà trường.
Thứ năm, việc học ở đại học không dừng lại ở những bài giảng, mà quan trọng hơn là sự tự chủ, tự tin, tính tích cực của các em trong tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Vì vậy, các em cần ý thức sâu sắc rằng, tự học và nghiên cứu là bản chất việc học ở đại học.
Hãy tốt hơn hôm qua dù chỉ 1%
Thay mặt cho 3.500 tân sinh viên, Ueno Megumi, tân sinh viên ngành Việt Nam học, đến từ Nhật Bản, phát biểu: "Việc lựa chọn trường đại học thích hợp cho một người ngoại quốc có gia đình đang sinh sống tại Việt Nam như em tương đối khó, đặc biệt là khi bản thân em vốn chỉ có thể sử dụng tiếng Việt ở mức giao tiếp cơ bản, chưa từng tham gia qua bất kì lớp học nào.
Dù rất hồi hộp và lo lắng nhưng sau khi được gia đình giới thiệu, đồng thời cổ vũ em tham gia cuộc thi đầu vào của trường, em đã thử sức và may mắn vượt qua. Chỉ với một vài lần tiếp xúc ngắn ngủi cùng các thầy cô và nhân viên nhà trường, em cảm thấy mình được chào đón và an tâm khi chọn trường là nơi để đồng hành trong bốn năm sắp tới.
Đại học là nơi chúng ta không còn thầy cô kèm cặp kỹ lưỡng như những năm trung học, là nơi cho ta cơ hội tiếp xúc với nhiều người mới, cơ hội và trải nghiệm mới, do đó tinh thần tự giác, tự nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu và ý thức trách nhiệm là cần thiết hơn bao giờ. Đừng bỏ cuộc mà hãy bước từng bước chậm mà chắc, hãy tốt hơn ngày hôm qua dù chỉ là 1%".