Kiến ba khoang đến mùa 'quậy tưng' ký túc xá

“Mình bị kiến ba khoang cắn đã hơn 10 ngày rồi mà vẫn chưa khỏi. Năm ngoái mình cũng bị kiến cắn để lại sẹo đến giờ. Khi bị kiến cắn nếu không biết cách xử lý, để vết thương chảy nước, nó sẽ bị lây lan ra rộng hơn. Ở ký túc xá (KTX), nếu không bị kiến ba khoang cắn thì đó là một điều bất ngờ”, Trương Vũ Luân (sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) kể.

Nhiều bạn SV tìm và bắt kiến ba khoang chính trong phòng ở KTX. Ảnh: PHAN YÊN

Trần Hồng Quân (sinh viên năm 4 Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) đang sống tại KTX khu A cùng chung nỗi lo: “Mình cũng vừa bị kiến ba khoang cắn cách đây vài ngày, không chỉ mình mà còn rất nhiều bạn khác trong KTX cũng bị. Có người bị ở tay, chân, lưng, thậm chí ở mặt... Nếu bị ở tay, chân thì có thể gắng giữ vết thương, còn lỡ bị kiến cắn trong người thì vết thương rất dễ lây lan”.

Không chỉ có Luân và Quân, rất nhiều sinh viên tại KTX đã đăng tải lên mạng xã hội những vết thương do kiến ba khoang cắn. Có người đăng lên hỏi thăm cách chữa trị, nhiều người lại muốn cảnh báo cho các SV khác đang sống trong KTX như mình để có cách phòng tránh.

Nhiều bạn SV cùng cảnh bị kiến ba khoang cắn đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Theo các sinh viên, trong khu vực KTX kiến ba khoang thường thấy ở những nơi ẩm như quanh gốc cây, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau hay trong những nơi đang xây dựng dở dang. Chúng thường ẩn nấp và sinh sản trong các đống thực vật mục nát có nhiều chất mùn như rơm rạ, cỏ mục, cành cây, dưới đống gạch đá... Điều khiến mọi người lo lắng là chúng thường xuyên xuất hiện tại phòng làm việc, buồng ngủ ở KTX.

Kiến ba khoang trong viên đá lạnh tại quán nước tòa A2- KTX khu A. Ảnh: PHAN YÊN

TS Đoàn Bình Minh, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho biết: “Sở dĩ rất nhiều SV bị thương khi tiếp xúc với kiến ba khoang là vì cơ thể nó có chứa chất Pederin gây rộp, phỏng da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó. Khi chất này dính vào da tay, nếu không rửa sạch ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả”.

Cũng theo ông Minh, nếu đã tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với chúng, cần rửa vị trí tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý 0.9%, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám.

Vết thương do kiến ba khoang gây ra rất lâu khỏi và còn để lại sẹo. 

"Một chú ý quan trọng là nếu phát hiện kiến ba khoang trên cơ thể thì tuyệt đối không được đập vào da mà cố gắng thổi hoặc lấy một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người, điều này tránh việc để da tiếp xúc với độc tố trong cơ thể kiến. Ngoài ra, để phòng ngừa những tổn thương do kiến ba khoang gây ra, cần chú ý cẩn thận trong sinh hoạt: Hạn chế mở cửa vào buổi tối (vì kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng); mắc màn khi ngủ; kiểm tra hay giũ mạnh quần áo, khăn mặt trước khi sử dụng; không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang", ông Minh khuyến cáo.

Hơn một tháng 400 sinh viên bị kiến cắn

Từ đầu tháng 5 đến nay đã có khoảng 400 sinh viên bị kiến ba khoang cắn. Vì đầu mùa mưa là mùa mà kiến ba khoang phát triển mạnh nên phía KTX đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo như: In hơn 200 tờ rơi cảnh báo về kiến ba khoang cho sinh viên, phối hợp với phòng công tác sinh viên, cục tòa nhà để tuyên truyền về kiến ba khoang, phun thuốc diệt kiến trong phòng, trong khuôn viên KTX, cắt cỏ, diệt tổ kiến...

Mặc dù vậy nhưng do hai KTX rộng, nhiều sinh viên nên rất khó để xử lý hết kiến. Cạnh đó, KTX khu B rất sáng vào buổi tối thu hút kiến ba khoang rất nhiều, trong KTX lại có khu vực đang xây dựng làm động tổ kiến nên kiến bay lên mặt đất.... Tuy nhiên, theo kết quả thì việc phòng ngừa kiến cũng đã có cải thiện rất nhiều so với mọi năm.

Trường hợp bị kiến cắn, sinh viên nên xuống trạm y tế KTX để khám và điều trị. Ở đây các bạn sẽ được khám, kê thuốc uống, thuốc bôi hoàn toàn miễn phí, phù hợp với mức độ vết thương. Về những vết sẹo, thực ra do tác dụng chất pederin trong kiến, vết da bị phỏng sẽ bị biến đổi sắc tố do tổn thương, sau thời gian sẽ hồi phục lại nên các bạn SV không nên quá lo lắng.

 BS NGUYỄN THỊ TRỌNG - Trưởng trạm y tế KTX ĐHQG TP.HCM
  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm