Kiên Giang ra 'tối hậu thư' cưỡng chế 2 công trình xây dựng trái phép

(PLO)- Hai công trình xây dựng trái phép buộc phải cưỡng chế là tám căn bungalow tại khu bảo tồn biển ở xã Hàm Ninh và phần diện tích đất mà Công ty CP xe buýt Phú Quốc đã lấn chiếm toạ lạc tại TP Phú Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cưỡng chế 8 bungalow lấn biển trái phép

Ngày 30-10, UBND TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có buổi làm việc chốt phương án cưỡng chế phá dỡ 8 căn bungalow xây dựng trái phép tại khu bảo tồn biển ở xã Hàm Ninh.

Tám căn bungalow xây dựng trái phép tại khu bảo tồn biển ở xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Ảnh: HOÀNG TRUNG

Tám căn bungalow xây dựng trái phép tại khu bảo tồn biển ở xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Ảnh: HOÀNG TRUNG

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban cưỡng chế cho biết tại các buổi làm việc trước đây với cơ quan chức năng TP Phú Quốc, ông Mai Trung Dũng (32 tuổi, ngụ TP Phú Quốc, chủ sở hữu các căn bungalow trái phép) xin tự nguyện tháo dỡ phần mái. Đồng thời, cam kết đến ngày 31-10 và đến ngày 7-11 sẽ tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, ghi nhận thực tế trong ngày hôm qua (ngày 29-10), cho thấy sự tự nguyện của ông Dũng là quá chậm, không đúng tiến độ như ông đã cam kết trước đó. Do đó, Ban cưỡng chế quyết định tiến hành cưỡng chế vào ngày 31-10 theo kế hoạch.

Ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc nhấn mạnh cần phải kiên quyết với các trường hợp vi phạm, xử lý triệt để. Theo đó, việc thực hiện cưỡng chế đối với 8 căn bungalow sẽ tiến hành theo kế hoạch.

Ông Tiến cũng yêu cầu lực lượng chức năng địa phương nhanh chóng nắm toàn bộ tình hình, như: Số người già, phụ nữ, trẻ em... để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, việc cưỡng chế lần này không chỉ là để tháo dỡ các công trình vi phạm trên biển, mà đây còn là việc làm nhằm lập lại trật tự kỷ cương đô thị.

Theo biên bản vi phạm hành chính do UBND xã Hàm Ninh lập vào cuối năm 2019, cuối tháng 11-2019, địa phương phát hiện ông Dũng có hành vi chiếm hơn 524m2 đất bãi bồi ven biển do nhà nước quản lý. Đây là phần diện tích chưa có ai sử dụng và ông Dũng đã vào lấn chiếm để xây dựng công trình các bungalow, sàn trụ bê tông diện tích và cầu gỗ dẫn ra các công trình.

Cưỡng chế buộc Công ty xe buýt trả lại hiện trạng đất

Trong diễn biến liên quan đến thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm về xây dựng ở Phú Quốc, trước đó, ngày 27-10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang ra thông báo về việc tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.

Cụ thể, Sở này cho biết sáng 4-11 sẽ tiến hành cưỡng chế, buộc Công ty CP xe buýt Phú Quốc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Cạnh đó, buộc phải trả lại đất đã chiếm với diện tích hơn 2.995m2 cho ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc quản lý.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, Công ty CP xe buýt Phú Quốc đã xây dựng nhà điều hành, nhà bảo dưỡng xe, căn tin, nhà bảo vệ và xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Ảnh: TUẤN THY

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, Công ty CP xe buýt Phú Quốc đã xây dựng nhà điều hành, nhà bảo dưỡng xe, căn tin, nhà bảo vệ và xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Ảnh: TUẤN THY

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang yêu cầu Công ty CP xe buýt Phú Quốc và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tự tháo dỡ công trình, di dời cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi diện tích đã chiếm. Đồng thời, di dời những tài sản, vật dụng ra khỏi khu vực nêu trên để trả lại diện tích đã chiếm.

“Trường hợp Công ty không tự nguyện chấp hành, Sở sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Công ty CP xe buýt Phú Quốc phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế theo quy định của pháp luật” - Thông báo nêu.

Cuối tháng 4-2020, chính quyền thị trấn Dương Đông (nay là phường Dương Đông, TP Phú Quốc) phát hiện Công ty CP xe buýt Phú Quốc đang thực hiện hành vi chiếm hơn 2.995m2 đất, được xác định là đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị do Nhà nước quản lý.

Thời điểm đó, làm việc với cơ quan chức năng, Giám đốc công ty, thừa nhận đang sử dụng phần đất nói trên, tuy nhiên ông không thừa nhận hành vi chiếm đất. Kết thúc buổi làm việc, vị này cũng không ký vào biên bản vi phạm hành chính vì cho rằng công ty chỉ mượn đất nhà nước làm bến xe tạm chứ không chiếm.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng địa phương, trước năm 2013, phần diện tích đất nói trên là đất thuộc Cảng hàng không Phú Quốc (Cụm cảng hàng không miền Nam) quản lý. Đến tháng 10-2013, phần đất này được thu hồi và giao cho Ban quản lý đầu tư và phát triển đảo Phú Quốc quản lý.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2020, Công ty CP Xe buýt Phú Quốc thuê xe cơ giới san lấp mặt bằng, xây dựng sân đỗ xe, nhà điều hành, nhà bảo dưỡng xe..., chiếm giữ cho đến khi bị phát hiện.

Cuối tháng 5-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty này số tiền 280 triệu đồng. Cạnh đó, buộc công ty trả lại và khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tại buổi giao nhận quyết định, Giám đốc công ty đồng ý nhận nhưng không thống nhất với nội dung trong quyết định và cho biết sẽ khiếu nại.

Tháng 6-2021, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản yêu cầu UBND TP Phú Quốc và các đơn vị liên quan phối hợp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phần đất trước khi vi phạm và buộc trả lại hơn 2.995m2 đất đã chiếm.

Theo văn bản Công ty CP xe buýt Phú Quốc đã xây dựng nhà điều hành, nhà bảo dưỡng xe, căn tin, nhà bảo vệ và xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức được Nhà nước giao quyền sử dụng đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm