“Có lao động Trung Quốc làm việc chui tại dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. Tuy nhiên, con số chính xác như thế nào thì tôi không nhớ hết”. Ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang, nói với PV Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết đã phát hiện trên 200 lao động nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc làm việc tại dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam tọa lạc cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Cụ thể, chủ đầu tư Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam sử dụng 168 lao động nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc nhưng có 70 lao động không đăng ký xin phép cơ quan chức năng. Ngoài ra, các nhà thầu tham gia dự án thuê 210 lao động, trong đó đa phần là người Trung Quốc làm chui…
Rất nhiều lao động chui người Trung Quốc đang làm việc ở dự án nhà máy giấy tỉ đô Lee&Man, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: GIA TUỆ
Những lao động này vào Việt Nam bằng hộ chiếu phổ thông với mục đích du lịch, thăm người thân nhưng kỳ thực là vào làm việc tại dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam với thời hạn lao động ngắn ngày.
Theo ông Điện, Ban Quản lý các KCN đã báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh, trong báo cáo đã đề xuất và kiến nghị hướng xử lý vấn đề lao động chui ở dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. “Chúng tôi được ủy quyền cấp phép cho lao động nước ngoài tham gia lao động tại KCN do ban quản lý. Tuy nhiên, có bất cập là chúng tôi chỉ được cấp phép mà không có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý. Do vậy chúng tôi báo cáo, kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp để thanh tra, kiểm tra, xử lý, đồng thời xây dựng lại quy chế phối hợp thuận lợi trong xử lý và giải quyết vấn đề này trong thời gian tới” - ông Điện nói thêm.
Đầu tháng 8-2016, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang qua kiểm tra, rà soát lao động Trung Quốc tại công trình Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam thì xác định có 145 người. Trong số này, chỉ có 105 người có phép, còn lại 40 người không được phép của cơ quan chức năng và doanh nghiệp không khai báo hay xin phép. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang đã báo cáo nhanh cho lãnh đạo tỉnh, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng và công an tỉnh để tiếp tục kiểm tra tình hình lao động tại doanh nghiệp này. Và con số lao động chui đến nay đã tăng lên cả trăm người.
Trao đổi với báo chí về việc xử lý số lao động chui người Trung Quốc ở nhà máy giấy tỉ đô này đến nay như thế nào, người phát ngôn UBND tỉnh Hậu Giang vẫn chỉ nói: “Tỉnh đã nắm nhưng tôi chưa được phép trả lời”.