NHỮNG KIẾN TRÚC SƯ TIỀN BỐI CỦA SÀI GÒN - BÀI CUỐI

Kiến trúc sư - chính trị gia tài đức vẹn toàn

Năm 20 tuổi (1933), ông Huỳnh Tấn Phát thi đậu và nhập học khóa 8, khoa Kiến trúc Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Là một sinh viên giỏi trong suốt năm năm học tập, ông đỗ thủ khoa rồi trở về Sài Gòn làm việc trong Văn phòng kiến trúc sư (KTS) Chauchaon của người Pháp.

Một kiến trúc sư tài năng

Vì đậu thủ khoa nên dù là tác phẩm đầu tay của ông sau khi ra trường, ông vẫn được người Pháp tín nhiệm giao thực hiện một công trình có quy mô rất hoành tráng, đó là câu lạc bộ hải quân (nằm trên đường Lê Duẩn đối diện Thảo Cầm viên, sau này là phủ thủ tướng và hiện nay là Văn phòng Chính phủ tại TP.HCM). Vào những năm cuối thập niên 1930, công trình của ông như một kiến trúc hiện đại mọc giữa Sài Gòn với những đường nét mạnh, kết nối mạch lạc. Công trình được giới KTS và quan chức người Pháp đánh giá cao và thán phục.

Ông xử lý không gian rất khoáng đạt nhưng không kém phần chặt chẽ, vận dụng tinh hoa của kiến trúc truyền thống Á Đông trong các thiết kế của mình, đặc biệt là sự phối hợp hài hòa và phù hợp với khí hậu nhiệt đới Nam bộ.

Qua năm 1940, ông mạnh dạn “ra riêng”, mở văn phòng KTS tại số 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu), đây là văn phòng KTS đầu tiên của người Việt Nam. Năm sau nữa, Toàn quyền Đông Dương Decoux tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc hội chợ triển lãm Đông Dương ở vườn Ông Thượng (nay là vườn hoa Tao Đàn), Huỳnh Tấn Phát tham dự và đoạt giải nhất, đánh bại hàng loạt KTS máu mặt người Pháp ở Sài Gòn.

Từ đây danh tiếng của ông lan xa, ông nhận rất nhiều đơn đặt hàng không chỉ ở Sài Gòn, Gia Định mà còn ở Đà Lạt, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên… Ông thiết kế đủ loại, từ dinh thự, biệt thự cho tới cả nhà mặt phố. Rất nhiều công trình của ông hiện vẫn tồn tại như biệt thự 150 Nguyễn Đình Chiểu (nay là Lãnh sự quán Nhật Bản), biệt thự góc Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Minh Khai thiết kế cho GS Phạm Minh Thới, hiện là nhà của BS Dương Quỳnh Hoa, hàng loạt biệt thự trên đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, quận 3…

Sau này khi tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông tiếp tục thiết kế Nhà giao tế Lộc Ninh, quy hoạch thị xã Lộc Ninh. Đến khi đất nước thống nhất, dù giữ cương vị lãnh đạo cao nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia chỉ đạo và góp ý kiến vào các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu- Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn... Ông cũng chỉ đạo và trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Nội Bài, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Riêng Nhà hát Hòa Bình tại TP.HCM ông thiết kế cùng KTS Nguyễn Thành Thế…

Cho đến lúc tác giả viết bài này, vẫn có những ngôi nhà ở TP.HCM được rao bán mà chủ nhân cam kết được thiết kế bởi KTS Huỳnh Tấn Phát từ hơn nửa thế kỷ trước. Sau bao nhiêu mùa mưa nắng trải qua nhưng thần thái kiến trúc và uy tín của ông vẫn còn được giữ lại.

CLB hải quân, nay là Văn phòng Chính phủ, đã bị phá để xây dựng tòa nhà mới.

Một nhà chính trị tầm cỡ

Tạo dựng được uy tín trong giới KTS ở Sài Gòn, các đơn hàng tới tấp đổ về, nếu tiếp tục hành nghề lẽ ra ông đã trở thành người rất giàu có, vinh thân phì gia… Thế nhưng ông Huỳnh Tấn Phát lại quyết định dấn thân vào con đường chính trị, đơn giản bởi ông là một người yêu nước. Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã tập hợp sinh viên phản đối giám thị Pháp hành hung một người bạn. Ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội, tổ chức phái đoàn sinh viên, học sinh trình thư thỉnh nguyện lên phái đoàn Godart của chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp khi họ sang Việt Nam…

Năm 1944, ông bỏ tiền mua lại manchette tờ báo Thanh Niên để làm chủ bút, cùng các thanh niên từ Hà Nội trở về như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước..., sử dụng tờ báo để tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước, cổ động và phát triển Hội Truyền bá quốc ngữ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong, trở thành trưởng ban tổ chức. Trước đêm cướp chính quyền ở Sài Gòn, ông cũng đã dựng nên kỳ đài sơn đỏ, cao 15 m ở ngã tư Charner-Bonard (Lê Lợi - Nguyễn Huệ ngày nay) trong đêm 24 rạng sáng 25-8-1945, ghi danh tính 11 ủy viên Ủy ban Hành chánh Nam bộ chỉ trong một đêm.

Kháng chiến nổ ra, ông bị bắt. Nhờ tài năng của hai luật sư danh tiếng lúc đó là Moréteau và Bazé đứng ra bào chữa miễn phí tại tòa tháng 10-1947, Pháp đành phải thả tự do cho ông. Ông vào chiến khu hoạt động, phụ trách Đài Tiếng nói Nam bộ, làm giám đốc Sở Thông tin Nam bộ.

Sau Hiệp định Genève, ông được phân công trở lại hoạt động tại Sài Gòn. Ông vào làm việc tại văn phòng thiết kế của KTS Nguyễn Hữu Thiện, một đồng nghiệp. Một sự cố bất ngờ xảy ra vào năm 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho tổ chức cuộc thi thiết kế nhà văn hóa trên nền khám lớn Sài Gòn bị phá, ông thực hiện đồ án gửi đi dự thi dưới danh nghĩa của văn phòng thiết kế và đoạt giải cao nhất. Nhưng không may, nhiều KTS đã nhận ra nét vẽ và phong cách kiến trúc của ông. Chuyện đến tai chính quyền, cảnh sát ập tới văn phòng để bắt nhưng may mắn ông không ở đó vì đang ra công trường xây dựng. Sau chuyện này ông được đưa ra chiến khu, bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn, phụ trách công tác trí vận. Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, ông tham gia Ủy ban Trung ương lâm thời, đến năm 1962 thì được bầu làm phó chủ tịch mặt trận. Năm 1969, ông trở thành chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông Trần Bạch Đằng đã từng viết về ông: “Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: Huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh…”.

Sau năm 1975, ông trở thành phó thủ tướng phụ trách quy hoạch đô thị, đến năm 1983 làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chuyện tình chính trị gia

Mối tình đầu của KTS Huỳnh Tấn Phát thời sinh viên là một nỗi đau dai dẳng khôn nguôi, người yêu của ông là một sinh viên trường đầm, cả hai yêu nhau tha thiết nhưng do cô là con một gia đình Công giáo toàn tòng nên mẹ cô đã tìm mọi cách ngăn cấm cô không được yêu ông là người ngoại đạo.

Nhiều năm sau, đến năm 1943 ông gặp được bà Bùi Thị Nga tại Đà Lạt, đến năm 1945 bà bàn tổ chức đám cưới, ông nói thật ông không còn tiền, vì tất cả tài sản dành cho hoạt động cách mạng hết rồi, văn phòng KTS cũng đóng cửa vì ông dành hết thời gian đi hoạt động. Hai người chỉ làm một đám cưới đơn giản, thậm chí đêm tân hôn ông còn ngồi viết vì sáng sớm hôm sau đi nói chuyện với công nhân.

Thời gian vợ chồng ở bên nhau không nhiều vì ông bị bắt. Sau này bà cũng bị bắt giam hơn năm năm trời biệt tích đến năm 1964 mới được thả. Ngay cả lúc chung sống với nhau ông cũng phải xuôi ngược công tác khắp nơi…

Dù được giữ chức vụ nào, ông cũng giữ cho mình một tác phong giản dị, nếp sống thanh bạch. Ông sống trong một căn nhà nhỏ hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chức vụ. Bà Nga kể rằng: “Ước mơ của anh lúc gần cuối đời, anh ao ước có một chiếc Honda để khi về hưu chở vợ hay cháu nội, cháu ngoại đi chơi”. Cả cuộc đời ông đã thiết kế rất nhiều công trình, nhà ở cho mọi người nhưng chưa bao giờ tự tay thiết kế một căn nhà cho riêng gia đình mình.

Ông NGUYỄN TÚC, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN:

Quyền cao, chức trọng nhưng ông rất mực khiêm tốn

Tôi đã có năm năm làm việc dưới quyền của anh Phát. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên về một người thủ trưởng uyên bác, phong độ hào hoa, ăn mặc chỉn chu. Ông là một trí thức tài năng, đức độ, giàu lòng nhân ái. Quyền cao, chức trọng nhưng ông rất mực khiêm tốn.

Khi chúng tôi đi công tác các tỉnh phía Nam, đến nhà ăn của ủy ban ông thường đặt những món đặc sản như rùa, baba, dơi… Ban đầu tôi rất ngạc nhiên, hỏi là “Thủ trưởng bị bệnh gút, đâu có ăn được những món giàu đạm này mà gọi” thì ông bảo: “Gọi như vậy để anh em được bồi dưỡng đặc sản Nam bộ”. Quà của các tỉnh gửi biếu ông, trên đường về ông nói xe ghé vào quán nước nghỉ, bảo lấy quà ra chia đều thành các phần như nhau, chia cho tài xế, bảo vệ, thư ký, ông chỉ lấy một phần như của mọi người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm