Ngày 29-9, Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị tuyên truyền một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đăng ký thường trú, CCCD cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiều bào làm CCCD “là quá trình đầy khó khăn”
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc cho biết hầu hết kiều bào muốn trở về quê hương sinh sống, làm CCCD đều không nắm rõ quy trình, quy định. Thực tế chính bản thân ông dù đã có tìm hiểu kỹ nhưng khi về nước làm CCCD cũng gặp nhiều cái vướng.
“Tôi đến trụ sở công an để làm CCCD và được hướng dẫn cần có sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ thường trú. Tuy nhiên căn nhà tôi từng thường trú đã bị bán đi, lúc này công an yêu cầu mang hợp đồng mua bán giữa người chủ hộ cũ và người mua đi công chứng và sau đó người chủ hiện tại phải mang giấy tờ công chứng đó ra công an thì mới có thể cấp mã định danh”- ông Luận kể.
Theo ông Luận, đây là quá trình đầy khó khăn, với những người nắm rõ thông tin đã khó và càng khó hơn đối với những kiều bào mới về nước.
Qua đó, ông mong Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP sẽ thành lập một ban thuộc đơn vị để trở thành đầu mối thông tin cho kiều bào về những thủ tục pháp lý, các chính sách mới... Đặc biệt là hỗ trợ kiều bào làm CCCD và đăng ký thường trú.
Nản vì thủ tục nhiêu khê
Anh Phan Ty, kiều bào Anh cũng đồng ý với kiến nghị này của ông Luận. Anh kể, một số kiều bào ở Anh vì nhiều lý do khi ra nước ngoài đã thay tên đổi họ, nay những người này muốn hồi hương làm hộ chiếu, đăng ký thường trú, làm CCCD... thì gặp vướng đủ điều.
Trong đó có trường hợp kiều bào khi về nước đã đến nhiều đơn vị, cơ quan hành chính từ cấp phường xã đến quận huyện, có người đến cả chính quyền TP nhưng không giải quyết được bởi thủ tục nhiêu khê.
“Họ phải di chuyển rất nhiều chỗ nhưng không được nên đâm ra nản, các kiều bào bảo với tôi mong sao TP có một cơ quan trung gian nào đó để giúp họ giải quyết những chuyện này”- anh Phan Ty tâm tình.
Có cùng thắc mắc với anh Phan Ty, anh Phú, kiều bào Pháp cũng cho biết anh gặp nhiều trường hợp kiều bào vượt biên những năm 1976 - 1977, cả gia đình cùng đi.
Khi đến Thái Lan, Malaysia... thì có kiều bào đổi tên, đổi tuổi để định cư. Nhiều người khai hạ tuổi cho con để được đi học, hoặc khai hạ tuổi từ 40, 50 tuổi xuống 30 tuổi để đi làm.
“Đến nay khi kiều bào trở về và xin trích lục giấy khai sinh thì địa phương không xác nhận, không biết Phòng quản lý xuất nhập cảnh xác định người gốc Việt, hỗ trợ họ đăng ký thường trú, làm CCCD như thế nào khi thủ tục quá khó khăn?”- ông Phú đặt vấn đề.
Các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký thường trú, CCCD
Theo Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD (phòng PC06), để được cấp CCCD thì người dân phải đăng ký thường trú theo Luật cư trú, còn trường hợp chưa đăng ký thường trú và chỉ đăng ký tạm trú thì chưa được cấp.
Với những câu hỏi của kiều bào liên quan đến vấn đề đăng ký thường trú, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết nếu công dân có hộ chiếu Việt Nam thì liên hệ cấp xã để làm thủ tục. Trong đó, nếu nhà chính chủ thì xuất trình giấy tờ và đăng ký thường trú.
Với trường hợp nhà thuê, mượn, ở nhờ thì làm hợp đồng thuê, mượn. Nếu sau khi làm đăng ký thường trú nhưng căn nhà đó được chủ nhà bán đi thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Trường hợp này thì kiều bào có thể chuyển nơi đăng ký thường trú hoặc cập nhật lại nơi ở hiện tại.
Trả lời câu hỏi liên quan đến kiều bào rời Việt Nam đã thay tên đổi họ, bà Trần Thị Hồng Yến, đại diện Sở Tư Pháp TP.HCM cho biết, để tạo điều kiện cho kiều bào thì hiện nay đã có Luật quốc tịch cũng như những văn bản hướng dẫn về thủ tục làm xác nhận nguồn gốc Việt Nam.
Đối với những kiều bào xuất cảnh ra nước ngoài thì có thể liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban người Việt Nam Bộ Ngoại giao để xác nhận nguồn gốc Việt Nam.
Về việc xác nhận quốc tịch Việt Nam thì kiều bào có thể liên hệ cơ quan, đại diện Ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, kiều bào đã về nước thì liên hệ Sở Tư pháp tại nơi cư trú để làm thủ tục.