Hàng triệu tấn xoài, chuối, sầu riêng...miền Tây cần người mua

Chiều 29-7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến diễn đàn Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách, phòng chống COVID-19 tại nhiều điểm cầu để tìm giải pháp đầu ra cho hàng trăm ngàn tấn trái cây, rau củ quả đang cung vượt cầu.

Nông sản đang thu hoạch lo đầu ra

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết tới tháng 8 sẽ thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo, trong đó có gạo nếp cần lưu ý kết nối đầu ra vì tiêu thụ giảm.
Về rau củ, trong tháng 8 sẽ có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và ĐBSCL.
Đặc biệt, trái cây đang vào thu hoạch, có khoảng 640.000 tấn trái cây trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.
"Hiện nay thu hoạch, trái cây tiêu thụ tương đối tốt nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Kể từ tháng 5 đến tháng 8, toàn bộ cây ăn trái phía Nam là trái vụ nên sản lượng không nhiều, nếu dư thừa chỉ là do ách tắc trong vận chuyển"- ông Tùng nói.
Kết nối tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội là giải pháp mà Long An đang thực hiện. Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết Long An đã thành lập đường dây nóng và kết nối với mạng xã hội Zalo.
Hiện đường dây này do một Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và một Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt nắm, kết nối trực tiếp với các huyện. Với phương pháp này, đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh nông sản kịp thời giải quyết các khó khăn về vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ.
Tuy nhiên, Long An cũng đang tìm nguồn tiêu thụ cho nhiều nông sản nguồn cung lớn đang thu hoạch như lúa (lúa nếp năng suất thu hoạch mỗi tháng lên tới 100.000 tấn), dưa lưới, rau má. Hiện Long An có 150.000 ha lúa ngoài đồng cần thu hoạch.
Ông Thiện đề xuất Đồng Tháp, Tiền Giang hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu, doanh nghiệp máy gặt đập, tất nhiên vẫn phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch.
"Ngoài ra, hiện nay việc chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ GTVT công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động"- ông Thiện nói.

Hàng trăm ngàn tấn trái cây cần đầu ra tiêu thụ. Ảnh: QH

Cần coi sản xuất nông nghiệp là thiết yếu

Đại diện Sở NN&PTNT Sóc Trăng cũng cho biết tỉnh này đang vào vụ thu hoạch Hè Thu, diện tích vào khoảng 141.000 ha, dự kiến thu hoạch 800.000 tấn và sắp tới sẽ bước vào mùa cao điểm.
Ngoài ra, tỉnh cũng có nhu cầu tiêu thụ cây ăn trái như nhãn, bưởi, chanh, cam, quất. Hiện nay, tỉnh đã cử một doanh nghiệp đại diện đứng ra thu mua cây ăn quả cho toàn tỉnh.
"Với lúa, tỉnh đã có giải pháp thu mua tại địa phương, phần còn lại bán cho tỉnh ngoài, tuy nhiên các ghe thương lái đang bị khó tiếp cận. Do đó, Sóc Trăng đề xuất phương án cho các ghe có giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT được di chuyển thuận lợi để đảm bảo công tác thu mua"- đại diện Sóc Trăng nói.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết tỉnh này cũng gặp khó khăn như Long An, vấn đề chủ yếu nằm ở quả chanh vì các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó. Vấn đề thứ hai là lúa đang thu hoạch 40% diện tích nhưng còn 140.000 ha chưa thu hoạch, với sản lượng ước đạt 800.000 tấn.
Hai khó khăn hiện nay của An Giang là lúa đã vào mùa thu hoạch chính nhưng một số kho như Tổng Công ty lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Hai là yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo 3 tại chỗ lại khiến công nhân ngại làm, nhà máy xay xát khó hoạt động và không thể dự trữ.
Vì thế ông Thọ kiến nghị hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên đồng bộ, thống nhất ở các địa phương. Hai là lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vaccine để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm