Thời gian qua, các cuộc gọi quấy rối người dùng (cuộc gọi rác) gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hằng ngày của người dân có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, ngày 29-6 vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã có công văn gửi tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu ngăn chặn cuộc gọi rác.
Khóa chiều gọi đi, gọi đến
Cục Viễn thông cho hay việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên năm tiêu chí bao gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng.
Các tiêu chí này được sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Đáng chú ý, theo Cục Viễn thông, trường hợp nhà mạng không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông cho rằng để việc chặn cuộc gọi rác có hiệu quả, nhà mạng rất cần đến sự phối hợp của người dùng. Điều này được thực hiện thông qua việc trả lời câu hỏi nhằm xác định đâu là cuộc gọi rác.
Ví dụ, sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi đi một câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD. Câu hỏi có nội dung nhờ người dùng xác định cuộc gọi vừa đến liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền tới họ.
Để ngăn chặn SIM rác, mới đây Viettel, VinaPhone và MobiFone thống nhất chỉ bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng. Ảnh: TL
Nhà mạng vào cuộc thành công
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, nhà mạng VinaPhone cho biết đến thời điểm hiện tại đã hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật có thể giúp xác định chính xác thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác thông qua ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) qua phân tích cước và kết hợp phản ánh của khách hàng. Đồng thời, thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng bị gọi để khẳng định thuê bao có phát tán cuộc gọi rác hay không.
“Sau khi xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chúng tôi sẽ thực hiện các bước xử lý theo quy định của Bộ TT&TT. Như vậy, về mặt công nghệ, chúng tôi đã sẵn sàng triển khai các giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn cuộc gọi rác” - đại diện VinaPhone khẳng định.
Đại diện nhà mạng MobiFone cũng thông tin: Ngoài việc xây dựng hệ thống giám sát và khảo sát ý kiến phản hồi của người dùng, nhà mạng đang xây dựng bổ sung tính năng chặn cuộc gọi rác cho các thiết bị đầu cuối cài đặt app MyMobiFone.
Theo đó, khách hàng MobiFone dễ dàng báo cáo thuê bao cuộc gọi rác cũng như tương tác trực tiếp với hệ thống phân tích. Từ đó, khách hàng chủ động chặn thuê bao không mong muốn ngay trên ứng dụng.
Tương tự, đại diện nhà mạng Viettel cũng cho hay trước thực trạng bùng phát các cuộc gọi rác trong thời gian qua, để bảo vệ các khách hàng, Viettel đã chủ động bắt tay vào xây dựng hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác và tiến hành thử nghiệm thành công. Đồng thời đã áp dụng các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Nhờ đó đã chặn lọc được hàng trăm ngàn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
“Khảo sát khách hàng cho thấy gần 90% thuê bao được hỏi đều đồng ý việc thực hiện chặn số thuê bao phát tán cuộc gọi rác và cho rằng việc làm này là rất cần thiết để bảo vệ khách hàng” - nhà mạng Viettel đánh giá.
Một tháng, gần 50 triệu cuộc gọi rác Thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông cho thấy chỉ tính riêng trong tháng 3-2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Bắt đầu cắt cuộc gọi rác từ 1-7 Các nhà mạng sẽ lần lượt triển khai việc cắt liên lạc với thuê bao thực hiện cuộc gọi rác. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ triển khai biện pháp này để ngăn chặn cuộc gọi rác từ ngày 1-7. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VinaPhone) và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone sẽ áp dụng triển khai trước ngày 1-8. Sáu nhà mạng còn lại gồm Viễn thông di động Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT triển khai trước ngày 1-10. |
Không chỉ khóa thuê bao mà còn phải phạt nặng
Trước chủ trương khóa cuộc gọi rác, người dân kỳ vọng sẽ không còn bị làm phiền, “tra tấn” như lâu nay. “Đây thực sự là tín hiệu vui cho các thuê bao di động, nhất là SIM số đẹp như của tôi. Lâu nay, mỗi ngày tôi không chỉ bị làm phiền bởi các cuộc gọi cho vay tiêu dùng, bán đất nền, gọi mua bảo hiểm… mà còn bị gửi tin nhắn quảng cáo từ các đầu số tự động” - anh Đình Quang (nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ.
Cũng theo anh Quang, để cuộc gọi rác được xử lý triệt để, cơ quan nhà nước cần công khai toàn bộ số điện thoại vi phạm phát tán cuộc gọi rác. Đặc biệt, cần công khai cả nhà mạng vi phạm để người dân giám sát.
Đồng quan điểm, anh Trương Quang Tưởng (nhà ở quận 3, TP.HCM) cho rằng để chặn rác viễn thông, mà cụ thể là cuộc gọi rác, cơ quan chức năng cần xử lý cả đơn vị thực hiện cuộc gọi rác. Ví dụ, đơn vị cho vay tiêu dùng nếu thực hiện liên tiếp ba, bốn cuộc gọi trong ngày thì không chỉ khóa thuê bao mà còn phải phạt cả đơn vị cho vay tiêu dùng.
Ông Phạm Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Tường Lửa, nhìn nhận việc áp dụng công nghệ 4.0 trong việc lọc các cuộc gọi rác là biện pháp chủ động, mang lại nhiều tác dụng tích cực. Tuy nhiên, công nghệ cũng không thể mang lại tính chính xác 100%, do đó rất cần sự hợp tác, phản hồi từ phía người dùng.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước cần tính đến việc mạo danh người khác. Bởi thực tế cho thấy nhiều trường hợp vì thù hằn cá nhân hoặc muốn chiếm SIM số đẹp mà xảy ra trường hợp cố tình lôi kéo nhiều người để “tố cáo” một số thuê bao nào đó thực hiện cuộc gọi rác, trong khi thực tế đây không phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác. “Nếu quản lý không chặt sẽ kéo theo rất nhiều rắc rối cho phía nhà mạng lẫn người dùng trong việc xử lý sự cố sau đó” - ông Thắng khuyến nghị.
Cần bổ sung quy định xử lý triệt để Nhà mạng MobiFone bày tỏ mong muốn nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác sớm được chính thức ban hành. Quy định này sẽ làm căn cứ pháp lý chính thức cũng như các tiêu chí chung cụ thể, rõ ràng về xử lý cuộc gọi rác. Nhờ đó, sự phối hợp giữa các nhà mạng để chặn cuộc gọi rác liên mạng cũng như phối hợp giải quyết khiếu nại của khách hàng sẽ hiệu quả và triệt để hơn. Nhà mạng VinaPhone cũng cho rằng có một số vấn đề cần hoàn thiện về mặt quy định quản lý nhà nước, như việc xử lý thế nào với các khách hàng là chủ thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Ví dụ, có mở trở lại cho các thuê bao có cam kết không phát tán cuộc gọi rác và xử phạt ra sao các thuê bao tái phạm lần hai.
Cách ngăn chặn các cuộc gọi quấy rối bằng ứng dụng điện thoại Đầu tiên, người dùng cài đặt ứng dụng Truecaller cho điện thoại tại địa chỉ http://bit.ly/truecl-android hoặc http://bit.ly/truecl-ios. Tiếp theo, chỉ cần đăng nhập bằng số điện thoại đang sử dụng và cấp quyền khi được yêu cầu. Giao diện chính sẽ hiển thị toàn bộ cuộc gọi đến/đi trên điện thoại, cho phép người dùng quay số cũng như truy cập nhanh vào danh bạ thông qua các nút chức năng nằm ở thanh menu bên dưới. Ngoài ra, ứng dụng Truecaller còn tự động kiểm tra các số điện thoại lạ dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn, hoặc người dùng cũng có thể chủ động thực hiện việc này bằng cách nhập số điện thoại vào khung tìm kiếm. Nếu muốn chặn các số điện thoại quấy rối, tư vấn bảo hiểm, mua bán nhà đất..., người dùng hãy chạm vào biểu tượng chữ “i”, sau đó nhấn chặn. Để hạn chế bị quấy rối trong tương lai, người dùng chỉ cần chuyển sang mục chặn ở góc phải bên dưới. Tại đây, có thể chặn các số điện thoại của một quốc gia bất kỳ, chặn theo tên người gửi SMS, chặn các số điện thoại bắt đầu với, chặn các số điện thoại có chứa, chặn các số điện thoại kết thúc với… MINH HOÀNG |