Tìm giải pháp hạ cơn sốt giá thịt heo

Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan liên tục có nhiều chỉ đạo, khuyến nghị đưa giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, thậm chí 60.000 đồng/kg. Thế nhưng đi ngược lại những chỉ đạo đó, trên thị trường giá heo hơi lại liên tục tăng cao, hiện vượt mốc 90.000 đồng/kg.

Cũng chính vì lý do này mà nhiều bà nội trợ ví von “giá thịt heo chỉ giảm trên tivi, chứ ở chợ, siêu thị vẫn cao chót vót”.

Giá heo liên tục lập đỉnh mới

Ngày 24-4, ghi nhận trên thị trường cho thấy giá heo hơi vẫn tiếp tục ở mức cao. Đơn cử tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, giá heo hơi ở mức 90.000-91.000 đồng/kg. Đáng chú ý, theo bảng giá của Công ty cổ phần Anova Feed, giá heo hơi miền Bắc ở mức 90.000-95.000 đồng/kg, miền Trung 85.000-93.000 đồng/kg. Riêng giá heo hơi của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn ở mức 70.000 đồng/kg.

Giá heo hơi ở mức cao đã đẩy giá thịt heo bán lẻ lên theo. Chẳng hạn tại Đồng Nai, thịt heo ba rọi lên tới 190.000 đồng/kg. Một số loại khác như thịt heo đùi, thịt heo nạc ở mức 150.000-160.000 đồng/kg. Giá thịt heo ở TP.HCM cũng dao động 140.000-250.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Nga, tiểu thương ở chợ Xốm (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cho biết: “Nếu như cách đây nửa tháng, giá thịt heo móc hàm lấy về chỉ khoảng 90.000 đồng/kg thì nay lên 120.000-130.000 đồng/kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng vì thế tăng theo. Giá đắt, nhiều người chuyển sang ăn loại thực phẩm khác nên chợ ế chỏng chơ”.

Nhằm góp phần bình ổn giá thịt heo trong nước, một số siêu thị triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích người dân chuyển sang tiêu dùng thịt heo nhập khẩu. Đơn cử như hệ thống siêu thị Big C đang giảm giá 20%-40% thịt heo nhập khẩu từ Brazil, Canada, Đức… Ví dụ thịt sườn giảm còn 119.000 đồng/kg, thịt ba rọi giảm còn 134.000 đồng/kg. “Chúng tôi đã nhận được phản hồi khá tốt từ khách hàng, do vậy sắp tới có khả năng Big C sẽ mở rộng chương trình trên toàn quốc” - đại diện siêu thị này cho biết.

Trên các trang bán hàng online, mạng xã hội, nhiều người cũng bắt đầu rao bán rầm rộ thịt heo nhập khẩu từ Nga với giá khoảng 120.000-149.000 đồng/kg. “Nhiều khách phản hồi thịt heo đông lạnh nhập từ Nga về ăn khá thơm, ngon, giá lại rẻ hơn so với thịt tươi trong nước. Tuy nhiên, do ít người biết nên số lượng người mua chưa nhiều” - chị Hồng Lê, một người bán thịt heo Nga, cho biết.

Khách hàng đang quen dần với thịt heo đông lạnh bán tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Tăng nguồn cung bằng tái đàn, tăng đàn

Nguyên nhân khiến giá heo neo cao đã được các bộ, ngành, chuyên gia phân tích rất rõ ràng. Đó là do hậu quả của dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung thịt heo thiếu hụt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, dẫn chứng bình thường một ngày công ty giết mổ khoảng 1.100-1.200 con heo nhưng gần đây giảm đến 600-800 con một ngày. “Có những ngày công ty muốn mua heo mà không có, nên sản lượng giết mổ chỉ đạt 500-550 con một ngày” - ông An thông tin.

Giải pháp gốc rễ để kiềm chế giá heo, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, là bên cạnh nhập khẩu thịt heo thì đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, hiện tốc độ tái đàn vẫn chậm.

Bà Phạm Thị Tăng ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết năm 2019, đàn heo gần 50 con của gia đình bà phải đem đi tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Qua một năm, nay dịch đã chững lại, gia đình bà muốn tái đàn trở lại nhưng giá heo tăng cao, giá con giống tăng theo khiến bà e ngại.

Giảm bớt khâu trung gian

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho rằng chi phí trung gian trong giá thành thịt heo còn ở mức cao, chiếm 70%-90%. Do đó, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt heo. 

“Hiện nay, giá con giống lên tới 2,5 triệu đồng/con khoảng 10 ngày tuổi. Bởi vậy tôi không dám tái đàn vào lúc này vì giờ giá cao, đầu tư nuôi, sau này giá lại giảm xuống thì lại lỗ” - bà Tăng lo ngại.

Nhiều trang trại tại Đồng Nai, Lâm Đồng cũng có chung suy nghĩ như bà Tăng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, thừa nhận hiện công tác tái đàn chưa đạt như kỳ vọng do người chăn nuôi tiếp cận nguồn tài chính còn khó khăn. Cạnh đó là chi phí con giống tăng cao, nguồn giống chưa đủ cung ứng. Các trang trại lớn gặp khó khăn về mặt bằng khi muốn mở rộng quy mô… Quan trọng nhất là công tác tái đàn tại một số địa phương chưa mạnh mẽ, còn do dự vì lo dịch quay lại.

“Các địa phương cần thực hiện triệt để việc hỗ trợ đền bù cho chăn nuôi nông hộ để người dân có vốn tái đàn. Với địa phương còn khó khăn, Bộ Tài chính cần hỗ trợ ngân sách để địa phương hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi lớn và các trang trại để họ có điều kiện tái đàn, tăng đàn. Như vậy mới đảm bảo sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm thịt heo từ nay đến cuối năm” - ông Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng khi nguồn cung trong nước chưa đủ nhu cầu, giá heo hơi ở mức cao thì cần nhập khẩu heo giống để khôi phục tái đàn. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, góp phần bình ổn giá thịt heo. Song song với nhập khẩu heo giống, các đơn vị kinh doanh cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước để tăng nguồn cung thịt heo trong nước.

Người dùng đang dần quen với thịt heo nhập khẩu

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 7-4, nước ta đã nhập khẩu hơn 43.500 tấn thịt heo, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhận định mặc dù Chính phủ “lệnh” cho các công ty lớn giảm giá heo hơi xuống mức 60.000-70.000 đồng/kg, song thực tế Vissan vẫn phải mua với giá lên tới 92.000 đồng/kg.

“Để giảm giá heo, ngoài việc phải có nguồn cung trong nước dồi dào, cần tăng cường thịt heo nhập khẩu. Thời gian qua, nếu không có thịt heo nhập thì giá heo hơi còn tăng cao hơn chứ không như hiện tại” - ông An nói.

Theo ông An, tình hình tiêu thụ thịt heo nhập khẩu tại Vissan tăng 10%-15% so với trước đây. Tuy vậy, do giá heo nhập khẩu tăng hơn so với trước đây, cộng với các loại chi phí khác nên giá heo nhập khẩu chỉ thấp hơn 10%-15% so với giá heo nóng trong nước. “Tôi nghĩ khi nào giá heo nhập khẩu thấp hơn giá heo nóng từ 30% thì mới tạo sự chuyển biến trong tiêu dùng thịt heo của người dân” - ông An nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà, cho biết công ty vẫn đang nhập khẩu thịt heo về bán với giá thấp hơn heo trong nước 10%-15%. “Người tiêu dùng đang dần quen với sản phẩm mới này. Sự thay đổi thói quen dần dần như vậy cũng tốt rồi” - bà Hà nói.

TÚ UYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm