Thủ tướng: Xuất khẩu gạo có kiểm soát

Theo Chinhphu.vn, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chuẩn bị báo cáo về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đối với giải ngân vốn đầu tư công: (i) Nêu rõ yêu cầu, nhận thức trong toàn quốc; các cấp, các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700.000 tỉ đồng, tương đương gần 30 tỉ USD, không để dồn lại cuối năm như những năm trước đây; (ii) xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo tinh thần bộ ngành nào, cơ quan nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm;

“Nếu đến tháng 9 năm 2020 dự án nào không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác. Khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn của du lịch và đầu tư với môi trường đầu tư thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư” - thông báo nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu rõ các nhóm giải pháp và số liệu cụ thể như giảm giá điện, giá nước, giá viễn thông, giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế, phí...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả; đồng thời nghiên cứu mở rộng gói hỗ trợ tín dụng hơn 300.000 tỉ đồng theo tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp, công khai, công bằng, minh bạch; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất cả các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT quán triệt tinh thần nông nghiệp, nông thôn là nền tảng để ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, trong đó xác định rõ sản lượng gạo vụ hè thu sắp tới, không để thiếu gạo, đồng thời đề ra các giải pháp mới như thúc đẩy chăn nuôi, thủy sản, cung ứng nông sản và các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay; tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn, tăng cường quản lý giá thịt lợn, giảm khâu trung gian như chợ đầu mối, lò mổ...; xuất khẩu gạo có kiểm soát, gỡ thẻ vàng thủy sản, mô hình phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới...

Trước đó, tối 6-4, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. heo Bộ Công Thương, qua làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, tính đến ngày 27-3, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao của các đơn vị là 1,574 triệu tấn gạo. Trong số này lượng gạo phải giao ngay từ nay đến 31-5 là 1,38 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp thuộc VFA là 1,65 triệu tấn.

Như vậy chỉ tính riêng các doanh nghiệp thuộc VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký hợp đồng mới của Thủ tướng, lượng gạo dư vào thời điểm 31/5 vào khoảng 266.000 tấn.

Nếu tính cả lượng gạo của các doanh nghiệp ngoài VFA, lượng gạo trong kho hiện có 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo).

Bộ Công Thương cho biết sau khi đã tính toán kỹ đề bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5-2020.

Theo thông báo chính thức của Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hóa của vụ đông xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn, nếu tính cả số lượng "gối đầu" từ 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn.

Với tốc độ xuất khẩu 25.000 tấn/ngày trong tháng 3 vừa qua, do các tờ khai hải quan đã mở trước 0 giờ ngày 24-3 vẫn tiếp tục được thực hiện, ước tính lượng gạo xuất khẩu tới 31-3 sẽ vào khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, sau khi nhận được thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo thì một số quốc gia như Philippines,  Australia...  đã đề nghị điện đàm với Bộ Công Thương hoặc gửi thư trao đổi khẩn cấp với VFA.

Lúa đông xuân tại miền Tây năm nay được mùa. Ảnh: Gia Tuệ

Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020 được bảo đảm như sau:

Cần khoảng 300.000 tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ NN&PTNT đã dự trù khoan dự trữ này khi tính toán số lượng gạo vụ đông xuân có thể xuất khâu nhưng Bộ Công Thương nhận thấy vẫn nên dự trù thêm một lần nữa).

Ngoài lượng 300.000 tấn nói trên, giữ lại thêm 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ hè thu) sẽ là 700.000 tấn.

Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình bốn người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30 kg cho tháng 4 và tháng 5 (khoảng nửa cuối tháng 5 ta bắt đầu thu hoạch vụ hè thu).

Như vậy, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018 và giám 21,7% so với cùng giai đoạn năm 2017.

Căn cứ tổng số lượng 800.000 tấn nói trên, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khấu gạo cho tháng 5.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm