Sinh ngày 8-4-1938, ông Kofi Atta Annan, nhà ngoại giao đến từ Ghana ở Tây Phi, là viên chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) đầu tiên trong lịch sử được giữ trách nhiệm tổng thư ký. Ông là tổng thư ký LHQ thứ bảy, giai đoạn 1997-2006. LHQ và ông từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2001 vì những cống hiến cho một thế giới tổ chức tốt hơn và hòa bình hơn. Khi còn tại nhiệm, ông đã ưu tiên thành lập một chương trình cải cách toàn diện nhằm vực dậy LHQ. LHQ có truyền thống thúc đẩy sự phát triển của thế giới và ông đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc vĩ đại này.
Một con người đam mê tri thức
Kofi Atta Annan được sinh đôi với em gái Efua Atta, cha mẹ là ông Henry Reginald Annan và bà Victoria ở Kumasi, Ghana. Cha ông từng là giám đốc xuất khẩu cho Công ty ca cao Lever Brothers. Cả ông nội và chú của ông đều là tộc trưởng và ông được nuôi dưỡng tại một trong những gia đình quý tộc của Ghana. Ông theo học tại ngôi trường dòng Mfantsipim danh giá từ năm 1954 đến năm 1957. Chính tại đây ông đã học được rằng sự thống khổ của bất kỳ ai trên thế giới đều phải được quan tâm.
Ghana trở thành thuộc địa châu Phi của Anh đầu tiên giành được độc lập vào năm 1957, cùng năm Annan tốt nghiệp Trường Mfantsipim. Là một nhân chứng cho cuộc đấu tranh độc lập của đất nước, ông đã rèn luyện được ý chí rằng mọi thứ đều có thể. Ông gia nhập Trường CĐ Khoa học và công nghệ Kumasi năm 1958 để lấy bằng kinh tế. Nhờ học bổng của Quỹ Ford, ông hoàn tất chuyên ngành kinh tế tại Trường CĐ Macalester ở St. Paul, Minnesota vào năm 1961.
Sau đó, ông tiến hành các nghiên cứu sau đại học về kinh tế tại Viện Nghiên cứu phát triển quốc tế (GIIDS) ở Geneva, Thụy Sĩ từ năm 1961 đến 1962. Cũng chính từ viện này mà sự nghiệp của ông đã bước sang một trang mới, một huyền thoại lẫy lừng của Ghana.
Ông Kofi Annan từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2001 vì “những cống hiến cho một thế giới tổ chức tốt hơn và hòa bình hơn”. Ảnh: NBCNEWS
Ông Kofi Annan trong ảnh kỷ yếu năm 1961. Ảnh: ELLEMAN/COURTESY
Liên Hiệp Quốc với ông là cả một sự nghiệp
Những kiến thức tại GIIDS đã giúp ích không nhỏ và ông đã trở thành một viên chức hành chính và ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva sau khi rời GIIDS năm 1962. Kể từ đây, định mệnh của ông và LHQ đã được thiết lập. Sau 12 năm gắn bó, ông quyết định về nước để đảm đương vị trí bộ trưởng Bộ Du lịch Ghana từ năm 1974 đến năm 1976. Trong những năm 1980, ông trở lại làm việc cho LHQ với tư cách là trợ lý tổng thư ký tại ba vị trí liên tiếp: Quản lý nguồn nhân lực và điều phối viên an ninh (1987-1990); lập kế hoạch chương trình, ngân sách-tài chính và giám sát tài chính (1990-1992); chịu trách nhiệm về các hoạt động gìn giữ hòa bình (1993-1996).
Các chức vụ trên đã đưa vai trò và trách nhiệm của ông lên tầm chỉ dưới mỗi tổng thư ký. Nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của ông bắt đầu vào ngày 1-1-1997 khi ông thay thế Tổng Thư ký Boutros Boutros-Ghali của Ai Cập. Năm 1998, ông bổ nhiệm một phụ nữ, Louise Frechette của Canada, làm phó tổng thư ký đầu tiên trong lịch sử, một nỗ lực nhằm mang lại sự bình đẳng giới trong hệ thống LHQ.
Ông tiếp tục được gia hạn thêm một nhiệm kỳ vào ngày 1-1-2002, một minh chứng cho thấy tài năng và sức ảnh hưởng của ông. Sau khi rời LHQ, ông trở về Ghana, nơi ông đã tích cực tham gia với một số tổ chức như Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu, The Elders, Quỹ LHQ, tổ chức Một thế giới trẻ... Ông còn lập ra một quỹ nhân đạo mang tên mình để tiếp tục các hoạt động vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới.
Vào tháng 2-2012, thế giới lại một lần nữa cần đến ông khi ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên Liên minh đặc biệt của LHQ đến Syria trong một nỗ lực đối phó với các cuộc xung đột đang diễn ra ở đó. Ông đã từ chức vào tháng 8-2012 do công việc không có tiến triển, bắt nguồn từ sự thiếu hợp tác của tất cả các bên liên quan.
Hết lòng vì sự phát triển của nhân loại
Ông từng gánh chịu rất nhiều chỉ trích. Nhiều nhà phê bình đã đổ lỗi cho ông về sự thất bại của LHQ trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng ở Rwanda vào những năm 1990, lĩnh vực thuộc trách nhiệm chính của ông. Sau đó, sau khi Mỹ tiến quân vào Iraq, ông và con trai còn từng bị buộc tội tham gia vào vụ bê bối tham nhũng thực phẩm, một vụ việc khiến nhiều quan chức phải từ chức, mặc dù sau này mọi cáo buộc đối với ông đều bị xóa bỏ.
Và những lời chỉ trích trên không bao giờ có thể xóa nhòa được đóng góp của ông cho hòa bình thế giới. Kofi Annan thường mô tả thành tựu lớn nhất của đời mình chính là chương trình Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, một nỗ lực phát triển thế giới trước các vấn đề như nghèo đói và tử vong trẻ em.
Tổng Thư ký LHQ hiện tại, ông Antonio Guterres, đã gọi ông là “lá cờ đầu của binh đoàn hướng đến cái thiện”. “Theo nhiều cách, Kofi Annan chính là LHQ. Ông đã vượt qua các cấp bậc để dẫn dắt tổ chức này vào thiên niên kỷ mới với phẩm giá và quyết tâm vô song” - trích lời ông Guterres trong thông cáo bày tỏ sự tiếc thương của mình.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein cho biết trong một tweet, ông đau buồn vì cái chết của Annan: “Tôi đau buồn vì cái chết của Kofi Annan. Kofi là hình ảnh thu nhỏ của sự tử tế và ân điển của con người. Trong một thế giới giờ đây tràn ngập những người không tương xứng làm lãnh đạo, sự mất mát ông khiến thế giới càng thêm đau đớn. Ông là một người bạn với hàng ngàn người và là một nhà lãnh đạo với hàng triệu người”.
Nguyên thủ các nước cũng đã lần lượt có các phát biểu hoặc tuyên bố bày tỏ sự tiếc thương đối với sự ra đi của huyền thoại đến từ Ghana. Các câu chuyện về ông sẽ mãi còn được người dân kể lại về một con người đã luôn lạc quan, luôn phấn đấu vì cái thiện, đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự phát triển và hòa bình của thế giới.
Thành tựu vô cùng to lớn Là người ủng hộ nhiệt thành nhân quyền với niềm tin tưởng mạnh mẽ vào các giá trị phổ quát về quyền bình đẳng, sự khoan dung và nhân phẩm, ông đã đưa LHQ đến gần hơn với mọi người bằng cách liên hệ với nhiều đối tác mới. Ông có một vai trò quan trọng trong việc thành lập hai cơ quan liên chính phủ mới tại LHQ: Ủy ban Hòa bình và Hội đồng Nhân quyền vào năm 2005. Ông cũng đóng vai trò then chốt trong việc thành lập Quỹ Toàn cầu để chống bệnh AIDS, lao và sốt rét. Ông cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và chương trình hạt nhân của Iran. Khi hết nhiệm kỳ, ông vẫn tiếp tục tích cực tham gia các tổ chức nhằm phát triển châu Phi cũng như toàn cầu. Với cương vị là tổng thư ký LHQ, ông đã phát động chiến dịch “Global Compact” vào năm 1999, đây là sáng kiến lớn nhất thế giới về việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các công ty và tập đoàn trên khắp thế giới. Annan đã xem đại dịch HIV/AIDS là ưu tiên cá nhân của mình. Và vào tháng 4-2001, ông đã đề xuất thành lập Quỹ AIDS và Y tế toàn cầu để giúp các nước đang phát triển đối phó với khủng hoảng. Sau vụ tấn công khủng bố tháng 9-2001 ở Mỹ, ông đóng một vai trò quan trọng trong việc đoàn kết Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an để có các hành động chống khủng bố. Năm 2005, trong một báo cáo tổ chức với tựa đề “Tự do hơn” đến Đại hội đồng, ông đề nghị một loạt cải cách để đổi mới và tăng cường tổ chức LHQ. |