Những chiếc lá trên tay người A Rem trở thành thuốc thang kỳ diệu.
Trịnh trọng vạn vật rừng xanh
A Rem theo lý giải của nhiều người và thậm chí trong sách vở của các nhà nghiên cứu có nghĩa là mái đá hoặc rèm đá. Họ luận rằng, rèm đá, mái đá ấy là nơi mà tộc người anh em này ở và định danh họ là người A Rem-người từ mái đá hoặc rèm đá. Nhưng có đồng hành với họ trong rừng mới biết đó chưa phải là nghĩa đúng nhất.
Từ cổ xưa mà Đinh Rầu giải thích: Rem là hang đá hoặc mái đá. Còn chữ A, nó có nghĩa gì? Chúng tôi quan sát, từ các sự vật hiện tượng hữu danh mà tộc người này gọi tên đều có chữ A đầu tiên. Như chỉ cây cối đều có chữ A đứng đầu.
Cây thuốc, họ đặt tên A Sing The, hay cây dùng nấu nước uống, nó được gọi tên A Roang Plài, con cá nhỏ như ngón tay hoặc to hơn một chút là sản vật rất ngon của suối rừng nơi đây nó được trịnh trọng đặt tên A Piu.
Một đêm nghỉ ngơi giữa rừng, qua trò chuyện với già Đinh Rầu, một người thông thái nhất A Rem thì chữ A như một thể hiện chính danh sự vật. Đó là sự trịnh trọng mà người A Rem muốn dành lòng biết ơn của họ cho các loài cây, mái núi, con cá, con chim, thú hoang...để đặt tên. Tất cả đều có sự biết ơn, tôn trọng ngang nhau. Và trong suy nghĩ, người A Rem cũng có sự biết ơn đó với vạn vật núi rừng mà họ thông minh đặt mình ngang với các loài A khác trong thế giới quan của họ.
Xuống suối, họ vục nước một hồi đã có ốc khe, cá piu.
Thế nên khi dẫn chúng tôi xuống suối thiêng ở vực Klong Krai, Klong Kriu...Đinh Rầu làm một lễ cầu khấn thần rừng, ma núi, mẹ suối, thần nước. Mỗi câu khấn của Đinh Rầu bằng tiếng A Rem đều có chữ A đứng đầu. Không phải có khách lạ đặt chân đến suối thiêng Đinh Rầu mới khấn, mà mỗi lần xuống suối người thông thái này đều khấn như thế. Ông Rầu nói: “Lấy một con ốc suối, một con cá, một cành cây làm thuốc, hay một củ rừng, quả cây...thì đều phải biết ơn tự nhiên. Núi rừng cho tất cả. Khổ cực cũng núi rừng, cái ăn cũng núi rừng, cái sống cũng núi rừng, nước uống cũng núi rừng, chết đi cũng núi rừng che chở. Tất cả đều nhờ núi rừng nên phải biết ơn núi rừng. Cha ông mình đã dạy như thế".
Lễ xuống nước và trò chơi suối thiêng
Từ tháng 6 đến tháng 7 khi mùa rẫy chín đã thu hoạch xong, người A Rem có một hội hè bản địa. Lễ xuống nước, nơi con suối mà Đinh Rầu khấn vái, đó là dòng suối chảy hàng chục cây số từ biên giới Việt-Lào.
Ngọn suối đó mỗi đoạn có một cái tên khác nhau. Có đoạn được gọi là Kalong Ktúi, có đoạn gọi Kalong Kriu, có nơi gọi là Khe Chim rộng, có đoạn xướng danh Cợp Pộng, đều do những già làng xa xưa của người anh em A Rem đặt tên.
Bệ đá dùng làm trò chơi của thanh niên ở Rục Cà Roòng.
Nhưng đoạn suối thiêng nhất, ấy là khu suối Rục Cà Roòng. Nơi đó có cái hang ba cửa, tương truyền, người A Rem xa xưa thường họp lại để bàn việc nương rẫy, săn bắt, hái lượm trong một năm. Rục, có nghĩa là vũng nước sâu, Cà Roòng được giải thích đại để là sơn thủy đẹp. Và đúng, khu vực Rục Cà Roòng là nơi hội tụ sản vật của người A Rem. Từ thảo quả để ăn hay lá cây nấu canh, hoặc nấu nước, rễ cây hai bên suối cho cách chống đau bụng, một số thứ lá Đinh Rầu giải thích nhuận gan, lợi mật...
Lễ xuống nước dọc con suối chúng tôi đi qua rằng, ở trên bản xa, cứ một lần có ba bốn hộ gia đình A Rem xuống ở dưới hang đá hoặc dựng lều ven suối. Ở đó họ sinh hoạt như một mái nhà. Các gia đình dựng trại gần nhau, chồng lo việc lớn hoặc uống rượu đoác làm từ cây rừng, vợ xuống suối mò ốc, bắt cá chuẩn bị bữa. Mỗi lễ xuống nước như thế khoảng hai tuần rồi trở lại bản. Ông Sỹ cho hay, xuống đó mát, nước suối không sắc lạnh mà ấm nên các vợ chồng trẻ A Rem trở lại bản thì cũng là lúc mang thai và khi sinh nở, các phụ nữ A Rem đều sinh gần kề nhau vì họ làm lễ xuống nước cùng nhau.
Trò chơi của người A Rem, chọi đá.
Có một nơi phụ nữ A Rem không được đến đó khi lễ xuống nước được tổ chức; Rục Cà Roòng, nơi đó chỉ dành cho người cao tuổi A Rem nói chuyện, bọn con trai thả lưới bắt cá phục vụ bữa cho những người uy tín của dân bản. Và ở khúc suối này, thanh niên A Rem có một trò chơi dân gian bản địa độc đáo. Đinh Rầu lặn xuống suối, đưa một viên đá cuội như con lợn con dựng trên phiến đá bên kia suối, trong khi chờ đợi người già bàn luận việc, thanh niên thi nhau kiếm từng hòn đá cuội tròn như quả trứng gà chọi đổ các viên đá đã dựng lên. Mỗi lần chọi được phép ba quả, hết ba quả mà viên đá lớn không đổ phải nhường cho người khác. Người chọi đổ đá, được thưởng ngụm rượu đoác thơm lừng từ nước cây báng lên men bằng vỏ cây bí truyền của người A Rem tìm kiếm.
"Huyền thoại" ăn ong
Một cây rừng có tổ ong được người A Rem thắt dây leo để ăn ong theo cách cổ xưa.
Nhóm chúng tôi đi có 4 anh em A Rem bậc thầy về sinh tồn nhưng giỏi nhất là nghề ăn ong rừng mà không một tộc người nào có thể sánh bằng.
Họ đi tìm tổ ong và lấy mật mà trong tay chỉ một cây dao và ít bùi nhùi hun khói. Có những người như Đinh Rầu lại để cho ong đốt mà không cần đến khói xua ong. Chỉ ít dây rừng họ vắt qua cây cổ thụ rất to, rồi leo lên, dùng tay không lấy ong bỏ vào rá bện từ tre nứa, lót thêm lá chuối xanh, sau đó thòng xuống cho người dưới đất thu lượm. Đấy là những tổ ong trên cây cao. Còn ong làm tổ trên vách đá, người A Rem lại leo lên đỉnh núi, dùng dây rừng bện lại thật chắc, thòng xuống đến chừng chạm quá tổ ong một chút, họ theo dây rừng tuột xuống lần hồi, dùng tay và dao cắt từng mảng mật ong đặc quánh một cách bình tĩnh trong khi đàn ong bu lấy và đốt chi chít khắp người. Đinh Rầu kể: “Mình bắt tay không, ong đốt mặc kệ. Đau thì có đau nhưng quen rồi nên không sợ. Bọn thanh niên mới đi lấy lần đầu thường bị sưng khắp người một tuần rồi quen. Đến lần thứ hai chúng chẳng bị đau đớn gì”.
Chúng tôi xem nhiều tộc người đi bắt ong ở rừng xanh. Và không ngoa khi nhận định, anh em A Rem bắt ong gan dạ với cách thức giản đơn mà không một tộc người xung quanh nào có thể so sánh. Họ ở nép mình dưới núi đá vôi, có phần nhút nhát, thế nhưng, danh tiếng ăn ong của họ đến nỗi đồng bào Pa Cô phía huyện miền núi A Lưới cũng biết mà ra thuê họ vào ăn ong ở vùng biên giới Việt-Lào (Thừa Thiên Huế).
Đinh Cu đi trong đoàn kể: “Đấy là một cái cây đến 300 tổ ong và một cái cây hơn 200 tổ ong mà người Pa Cô ở A Lưới thuê vô để bắt. Họ không bắt được vì cây quá cao, sợ ngã, không leo trèo bằng dây như dân A Rem mình. Họ nói đưa được mật ong xuống thì chia đều nhau, không ai hơn ai”.
Đó là chuyến đi của đầu mùa hè năm 2013. Đinh Cu cùng nhóm 9 người A Rem thu tiền triệu về mua cơm gạo, thức ăn cho vợ con, dân bản. Chuyến đi đó người Pa Cô khâm phục họ vì cây khổng lồ như thế, họ sống trên đó cả tuần, ong đốt vô thiên lủng mà không ai hề hấn gì.
Cách họ lấy ong cũng tôn trọng với núi rừng tự nhiên, một cái tổ mật họ chỉ lấy 2/3, số còn lại theo Đinh Tân: “Để con nhộng và một phần mật lại trên tổ cho chúng sinh sôi, năm sau lại có tổ mới mà lấy mật”. Trong trường hợp ong rời tổ bay đi thì số nhộng nở ra cũng làm tổ trong rừng rậm lãnh thổ người A Rem, dân bản đều hưởng lợi.
Đinh Rầu còn kể: “Dân mình ai tìm ra tổ thì khắc dấu hiệu của mình lên cây có tổ ong, người đến sau không bao giờ phạm vào”. Đấy là cách người A Rem tôn trọng nhau, không xâm phạm của nhau dù trong con mắt người bên ngoài, cuộc sống của họ còn khó nghèo.
|