Hơn 50 năm trước, anh em A Rem bắt đầu được cán bộ đưa ra khỏi hang động. Nhưng tâm hồn của họ vẫn lưu lại với quá khứ của tổ tiên trong các hang đá sâu dưới khối núi Kẻ Bàng. Cặp vợ chồng Đinh Nê, Y Rú ở hang Khe Chim thấp, Khe Chim cao... là một điển hình. Họ mê mẫn với cái hang của họ. Những sinh hoạt trong hang phản ánh gần như đầy đủ đời sống xa xưa của tổ tiên họ giữa thời đại văn minh mà chúng tôi may mắn chứng kiến.
Tìm người giữa rừng xưa
Bản A Rem khiêm tốn dưới núi đá vôi hùng vĩ. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch ông Nguyễn Chí Sĩ cùng 4 người A Rem khỏe chắc trực chỉ rừng thiêng sâu thẳm đi tìm ông bà “người rừng” Đinh Nê, Y Rú. Họ được cấp nhà ở bản. Nhưng đôi vợ chồng này vẫn thường khép cửa vào hang để ở. Họ xem đó là phong tục cổ xưa cần phải gìn giữ.
Hàng chục hang đá chúng tôi đi qua đều có dấu vết con người A Rem xưa từng ở với những vết khói ám muội.
Những người A Rem đi trong đoàn kể, ông bà Đinh Nê có hang chính ở suối Khe Chim, còn khoảng chục hang đá khác họ cũng lấy làm nơi tá túc giữa rừng khi đêm xuống mà không về được hang chính.
Con đường đi xuống Khe Chim quả là một con dốc đi mãi như bất tận khi chúng tôi phải lội bộ xuống hơn hai giờ đồng hồ. Xuống Khe Chim nói đường cho oai, nó là lối mòn rất nhỏ của thú rừng đi rồi người A Rem dẫm lên đó thành lối đi của họ. Có những đoạn dốc như dựng đứng, có những đoạn dốc cua ngoặt, bước xuống không cẩn thận dễ khụy chân. Nhiều đoạn men bên vách núi dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thẳm mà bản địa đặt tên Vực Chông, bởi dưới đó nhiều đá tai mèo nhọn hoắt.
Đi miết giữa rừng rậm, rồi ánh nắng mặt trời cũng vỡ òa, suối Khe Chim ập đến, tiếng nước chảy trong lành, kỳ thú. Đấy là một thế giới khác. Hai bên suối là vách đá hùng vĩ, rừng xanh lút mắt. Nơi chốn đó, người A Rem cũng thích thú chứ không riêng gì khách bên ngoài lạc lối như chúng tôi.
Người đến từ hang xưa
Đinh Rầu, người già nhất đoàn xuống trước. Ông chỉ tay lên hang Khe Chim thấp rồi nói: “Ông bà Đinh Nê ở trong đó”. Chúng tôi háo hức vượt suối, vượt cợp đá tai mèo theo lối mòn đi lên. Hang có hai cửa. Sự háo hức như bị dập tắt khi có thông báo, ông bà không có ở đây.
Hang Khe Chim thấp đã tắt lửa.
Ở hang Khe Chim thấp, một bếp lửa đã tàn khói, một chút lưới bắt cá đã khô. Chứng tỏ chủ hang đã mấy ngày không về, theo Đinh Cu xem xét.
Ngước cổ lên vách đá cao chót vót khoảng 200m so với mặt suối, Đinh Rầu chỉ tay lên, trên đỉnh có hang Khe Chim cao, đó là hang chính của ông bà Đinh Nê.
Mọi người cùng men theo lối mòn nhỏ rướn người đi lên. Khoảng 20 phút lên đến hang đá, một cái hang rất rộng, cổ xưa nhuốm màu hun khói. Đinh Rầu vào trước, thì ra ông bà mới đi rừng lấy mật ong về.
Thấy có người lạ, Y Rú và Đinh Nên trốn vào ngách hang bên trong như không muốn gặp. Mọi người thuyết phục ông bà ra nói chuyện. Họ rón rén đến, khi máy chụp hình đưa lên, ông bà quay lưng vì sợ. Thuyết phục mãi, cả hai đều nhút nhát trước ống kính sâu đen hun hút. Ghi hình bất thành.
Hang Khe Chim cao nơi ông bà Đinh Nê thường xuyên ở với vật dụng đầy đủ cho cuộc sống căn bản.
Hang Khe Chim cao có đầy đủ vật dụng cho ông bà Đinh Nê sinh tồn giữa núi rừng hẻo lánh. Có một chiếc cối gỗ, hai cái chày dùng giã gạo nương hoặc làm món Pồi từ cây báng đều do Đinh Nê tự tay làm.
Bên trên ngách cao Y Rú thiết kế một cái sạp treo lơ lửng, nơi đó dùng cất các hạt giống là ngô và sắn để làm rẫy nhỏ dưới chân núi. Cả hai chỉ chịu nói chuyện khi chúng tôi cất máy ảnh.
Họ cho biết ở hang đã hàng chục năm, từ khi nhỏ. Lúc ra bản có nhà họ cũng thích, nhưng bên trong trái tim của họ, phần lớn suy nghĩ đều nhớ hang nên cả hai vào đây ở như cách giữ gìn tục lệ của A Rem cổ xưa.
Không gian hang động ông bà ở rộng như căn nhà lớn. Được quét dọn sạch sẽ, nồi niêu méo mó. Cái sạp ngoài đựng hạt giống còn là nơi để ông bà ngủ vào mùa lũ.
Cái sạp để hạt giống và ở chạy lũ mùa đông.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, vì sao hang đá Khe Chim cao cách mặt suối gần 200m mà lũ vẫn vùi đến? Ông Sỹ giải thích: “Lũ ở đây lớn lắm, nước chảy không kịp, suối dâng, nước vượt núi này là bình thường nên họ phải ở cao như thế để tránh lũ. Mùa hè, ông bà thường xuống hang Khe Chim thấp cho gần nguồn nước. Ở cao như thế cũng là tránh thú dữ”.
Thiếu muối, giải quyết như thế nào? Đinh Rầu cầm gói muối i ốt lên và nói: “Bây giờ xã phát muối cho bà con. Phần ông bà cũng có. Có khi phát ông bà về bản đúng ngày thì lấy luôn. Còn không thì dân bản nhận, rồi đi rừng đưa vào cho ông bà. Trước đây tổ tiên mình không có muối thì dùng cỏ tranh đốt lên, lấy than cỏ tranh làm muối”.
Mối tình nối dây
Đinh Nê và Y Rú là hai vợ chồng biểu tượng của tập tục nối dây trong tộc người anh em A Rem. Chồng Y Rú là một người đàn ông đã mất, anh trai của Đinh Nê, tên là Đinh Đe. Năm 1994, Đinh Đe mất, ba năm sau Đinh Nê làm chồng Y Rú theo thủ tục nối dây của bản. Lúc đó Y Rú có 7 người con, nay đã lớn khôn và có gia thất.
Y Rú được nói đã gần 80 tuổi nhưng leo núi, vượt đá tai mèo vẫn còn vững chắc. Đinh Nê kém hơn, hiện 60 tuổi. Giữa họ có tình cảm chắc như cây lim, bền như dây mây rừng. Đặc biệt, Y Rú thường hay ghen mỗi khi Đinh Nê về bản.
Ông Sỹ kể: “Cũng vì ông Nê to lớn nên nhiều phụ nữ trong bản rất ưng, còn Y Rú đã già, tóc bạc nên hay ghen giận. Ông Nê về bản mà lâu ngày không ra hang bà Rú lại giận, lại ghen”. Thế nên rất ít khi Y Rú để Đinh Nê về bản một mình. Mỗi lần có việc, cả hai cùng rời hang, mặc dù Y Rú rất thích tổ ấm hang đá nhưng người chồng thua mình 20 tuổi đi đâu, Y Rú phải theo sát chân.
Mỗi bận về bản, Đinh Nê vẫn được bạn bè anh em dân bản mời rượu. Ông say và ngủ đâu đó bên vệ rừng. Bà Rú đợi mãi trong căn nhà nhỏ giữa bản. Nhiều lúc như thế, phòng của ông Sỹ ở xã bị đập cửa sầm sập: “Y Rú đập cửa nhiều lần, mình mở cửa, Y Rú nói bắt đền xã, vì răng để chồng mình nó đi đâu mất. Ý bà nói là để o nào bắt Đinh Nê rồi. Tui phải giải thích, Y Rú cứ về đi, ông Nê chắc say, ngủ đâu đó. Bà không về, tui dẫn bà đi tìm. Có khi ông Nê ngủ bên rừng, có khi ông ngủ dưới sàn nhà, có khi ông ngủ lại nhà bạn bè. Khi Y Rú tìm thấy chồng, bà thường hay xin lỗi; mình xin lỗi xã vì mình nghĩ sai”-ông Sỹ tâm sự. Và mỗi lần “nghĩ sai” như thế, hôm sau Y Rú tìm ra trung tâm xã, tặng cán bộ mớ quả rừng, nói: “Cho mẹ xin lỗi nghe, cho mẹ xin lỗi nghe”. |