Nhiều người trước khi thực hiện chuyến hành trình "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc" (vừa kết thúc vào những ngày đầu tháng 6) luôn nghĩ ở Trường Sa chỉ có nắng gió cháy da, cát trắng bỏng rát đôi chân và bê tông cùng sỏi đá. Nên những phụ nữ trong đoàn đều "phòng thủ" mũ rộng vành, áo chống nắng để chống chọi với ánh mặt trời mà mới 8h sáng đã chói lọi như giữa trưa ở đất liền. Có lúc, mọi người còn hỏi nhau đi hỏi nhau lại chính xác mấy giờ vì không tin vào mắt mình. Ấy vậy nhưng, trong hành trình đi qua 8 đảo cả chìm và nổi, mũ áo thường được lột bỏ ngay tức khắc trước những nụ cười hiền khô của chiến sĩ, của vô vàn hoa lá, cỏ cây trên các đảo. Ai cũng muốn được chụp ảnh kỷ niệm với các chiến sĩ trẻ tuổi mà kiên cường, nhất là lại được tạo dáng bên cả những hoa, cây cảnh đầy sắc màu.
Với bốn bề đại dương xanh mênh mông, những cánh hoa nhỏ bé mong manh như mười giờ trên đảo Phan Vinh, hay trông cứng cáp khỏe mạnh như hoa đại trắng, hoa sứ hồng trên đảo Trường Sa Lớn, phong lan ở đảo Song Tử Tây, rực rỡ đủ màu của hoa giấy trên tất cả các đảo,... trở thành những điểm nhấn trong cảnh quan môi trường, thể hiện sự lãng mạn ẩn giấu đằng sau vẻ cứng rắn, tưởng như khô cằn của người lính. Điều này trở thành một trong những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí những ai dù chỉ một lần đến thăm Trường Sa.
Bên cạnh đó, hệ thực vật phong phú ở các đảo còn gồm: Cây bàng vuông, sồi, phi lao, muống biển, phong ba, bão táp, bồ đề,... càng khiến mọi người ngạc nhiên. Tôi đã đặt ra một số câu hỏi về cách thức ươm trồng, về sức sống mạnh mẽ của những loài cây vốn chỉ quen sống ở đất liền. Từ đó, tôi mới được biết đến mô hình vườn hoa Võ Nguyên Giáp đầy ý nghĩa.
Công trình tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Khi đặt chân lên đảo Sơn Ca trong ngày thứ 4 của chuyến hành trình, lúc bước qua cổng chào, chúng tôi thấy ngay khuôn viên của một vườn hoa được quy hoạch gọn ghẽ, ghế đá đặt rải rác khắp vườn trông hết sức lãng mạn, rất khác với các đảo đã đi qua. Anh Trần Đình Quý, chính trị viên cụm 2 đảo Sơn Ca, cho biết vườn hoa này được gọi là khuôn viên Võ Nguyên Giáp.
Anh Quý cho hay, vào ngày 4-10-2013, biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời, anh Đỗ Thế Tuyến lúc đó là đảo trưởng đảo Sơn Ca (nay là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa), đã ngay lập tức cho lập ban thờ để quân dân đảo Sơn Ca và ngư dân đánh bắt gần đảo có thể đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi làm lễ truy điệu cho Đại tướng xong, nhằm tưởng nhớ Đại tướng, anh Tuyến với tư cách chỉ huy cao nhất đảo đã tập hợp các lực lượng trên đảo cùng cải tạo hệ thống bãi san hô ở phía trước đảo, xây dựng thành khuôn viên vườn hoa.
Mục đích thứ nhất để đảm bảo cảnh quan môi trường sạch đẹp trên đảo; thứ hai, khi mọi người ra chăm sóc hoa thì cũng là chăm sóc về tinh thần, trong tinh thần đó có phần tâm linh tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, vườn hoa như lời nhắc nhở thường xuyên đối với cán bộ, chiến sĩ về công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Bãi san hô không có sức sống ngày nào đã thành vườn hoa xanh tươi. |
Kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành mất tròn 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của ông), nên ban đầu vườn hoa được đặt tên là Công trình 103 ngày công tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về sau mới đổi tên thành Khuôn viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp của đảo Sơn Ca. Việc xây dựng gần 100m2 khuôn viên đã phát huy tất cả nội lực từ viên gạch, đá, đặc biệt đến hệ thống cây xanh, hoa tươi.
Điều đặc biệt nữa, tất cả công lao đóng góp xây dựng nên vườn hoa đều là tự nguyện, không có phân công lao động. Rồi, ai đi đâu có cây hoa đẹp đều cất công mang về đảo đóng góp vào vườn hoa. Từ bãi san hô không có sức sống ngày nào đã thành vườn hoa xanh tươi với các loại cây: Phong ba, vối, xoài, cúc, hoa giấy,... Vì vậy, tất cả anh em chiến sĩ khi rời đảo về đất liền đều lưu luyến, đầy vơi với bao kỷ niệm. Đầu tháng 5, anh Võ Hồng Nam- con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp- khi đến thăm đảo cũng đã bồi hồi, ngồi suy tư cả buổi sáng trong khuôn viên vườn hoa mang tên người cha kính yêu đã khuất.
Anh Tuyến cho hay, sắp tới, theo chủ trương, khuôn viên này sẽ được xây dựng thành công viên Võ Nguyên Giáp với diện tích dự kiến khoảng 250m2. Ở đất liền, diện tích này chỉ đủ để làm vườn cho một ngôi nhà, nhưng với quần đảo Trường Sa nói chung, tấc đất quý hơn tấc vàng thì đó đã đủ để được gọi là công viên. Với riêng đảo Sơn Ca, chiều dài khoảng 440m, rộng vỏn vẹn 102m thì việc dành ra từng ấy đất để trồng hoa là phù hợp, còn chúng tôi thấy thật sự cực kỳ quý giá.
Là đảo nổi, thổ nhưỡng trên đảo Sơn Ca là cát san hô, được phủ một lớp bùn mỏng lẫn phân chim (chủ yếu chim Sơn Ca nên đảo được đặt tên đảo Sơn Ca), không có đất màu nên việc trồng rau xanh, hoa lá khó khăn. Chưa kể, nằm trên nền san hô ngập nước, đảo không có nước ngọt. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, thời tiết khắc nghiệt, ngày nắng, nóng kéo dài từ sáng sớm đến xẩm tối. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm. Hai đới gió mùa Đông Bắc về mùa đông và Tây Nam về mùa hè mạnh, hoạt động dài ngày, mang hơi nước biển gây hư hại, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa, thời tiết mát mẻ hơn, nhưng hay có giông bão thì dễ khiến cây gãy, đổ.
Chỉ kể vài điều kiện khí hậu, thời tiết, đã đủ thấy việc bảo vệ được cây đã khó, mà để gây dựng được thành khuôn viên, công viên thì các chiến sĩ trên đảo phải dày công như thế nào. Họ phải làm cả rào sắt, o bế, chở che cho từng gốc cây non trước phong ba, bão táp. Từng giọt nước quý hiếm được họ tận dụng đến cùng. Thậm chí, có những loại cây non kén nước, các chiến sĩ còn phải hy sinh từng "giọt vàng nguyên chất" ấy để tưới tắm cho cây đến khi cứng cáp, chứ không dám tận dụng nước tắm gội, rửa rau, vo gạo,...Từ khi có vườn hoa, anh Tuyến càng thấy được tâm huyết, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ khi hàng ngày ra chăm sóc hoa rất nhiệt tình, chủ động.
Đến nay, mô hình khuôn viên Võ Nguyên Giáp đã được nhân rộng ra tất cả các đảo, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, tùy thuộc vào diện tích mỗi đảo. Ở các đảo chìm, vườn hoa chỉ còn có thể là chậu hoa, song cũng đủ làm mềm mại cảnh quan. Anh Tuyến nghĩ rằng công viên Võ Nguyên Giáp sau khi hoàn thành sẽ trường tồn mãi mãi, không chỉ ở đảo Sơn Ca mà còn ở các đảo khác ở quần đảo Trường Sa.
Nay ở đảo Trường Sa Lớn, anh Tuyến cũng ấp ủ phát triển tiếp mô hình trên. Dự kiến, vào tháng 7, hai dự án cải tạo cảnh quan môi trường sẽ được khởi công là Vườn hoa Hồ Chí Minh (sẽ nằm ở vị trí bên trái Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bên trái mốc chủ quyền liền kề nhà tưởng niệm sẽ là vườn cây với thác nước tạo cảnh quan đẹp mắt, tốt cho môi trường trên đảo.