Kỳ lạ trụ đá trên sông Đồng Nai được dân gọi là 'ông Một'

Giai thoại về “ông Một”

Trụ đá nằm giữa ở đầu ngọn con rạch tên Thủ Huồng, một nhánh sông nhỏ chảy ra sông lớn Đồng Nai. Điều thú vị là con rạch Thủ Huồng chảy ăn sâu vào tận chân núi Châu Thới (tỉnh Bình Dương) cách đó hơn 40 km. Người dân vùng Bửu Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ xưa đến nay luôn nhắc nhở và kể cho con cháu nghe về sự tích và giai thoại về “ông Một”.

Ông Một” nằm ở đầu con rạch Thủ Huồng, đoạn chảy ra sông Đồng Nai. 

“Ông Một” còn tồn tại đến hôm nay thật ra chỉ là một khối bê-tông chắc chắn, dạng hình chóp cao 3 m, tầng phía trên xây bằng gạch thẻ, còn tầng dưới xây bằng đá xanh. Nhìn từ xa “ông Một” như một cái búp sen cách điệu mọc lên giữa dòng nước trong xanh trên sông Đồng Nai. Chỉ khi nào ngày nào nước cạn thì “ông Một” mới hiện rõ nguyên hình, còn lúc thủy triều dâng cao thì trụ “ông Một” bị nhấn chìm phân nửa.

Anh Trần Văn Thích (46 tuổi), ngư dân xóm Câu (Bửu Hòa), kể lại ngay từ nhỏ anh được ông nội là ông Trần Văn Tỏ kể lại câu chuyện rằng ngày xưa khúc sông chảy qua khu vực này có rất nhiều dãy đá hàn ngầm, tàu ghe qua lại thường bị va vào đá ngầm lủng đáy chìm nghỉm. Cũng cần nói thêm rằng lớp đá hàn ngầm dưới sông Đồng Nai được hình thành từ những năm 1861, khi quân Pháp xua hàng trăm chiếc tàu thủy chiến để tiến đánh chiếm thành Biên Hòa. Lúc đó, để ngăn và làm chậm đường tiến như vũ bão của quân xâm lược nên nhà Nguyễn bấy giờ mới huy động sức dân kéo đá đổ xuống lòng sông Đồng Nai làm vật cản tạm thời, đồng thời mục đích cũng là làm “cái bẫy đá” trên sông để cho tàu chiến Pháp va đập vào, lủng đáy chìm tàu.

Trụ đá “ông Một” chỉ cách bờ sông phía khu vực phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa) khoảng 30 m

Sau này, có một người đàn ông tên Một chứng kiến ghe bè của ngư dân đi qua lại đoạn sông này không chú ý thường bị va vào dãy đá, nguy hiểm đến tài sản, tính mạng nên ngày đêm ông Một tự nguyện một mình chèo ghe chở gạch đá cát từ núi Châu Thới, xuôi theo rạch Thủ Huồng ra sông để xây một trụ cảnh báo đá ngầm nhằm cho ngư dân biết mà tránh. Dưới trụ đá, ông Một còn xây thêm một cái bàn tròn, trên đó ông thường xuyên đặt gạo, mắm, muối cho những người ngư dân nghèo mang về dùng. Người dân cảm tạ công đức và tấm lòng nhân ái độ lượng ông Một nên sau khi ông qua đời mới gọi trụ đá do ông xây và để lại cho đời là “ông Một”.

Cận cảnh “ông Một”, cách cầu Ghềnh khoảng 900 m 

“Ông Một” do người Pháp xây dựng?

Bà Nguyễn Thị Tư (84 tuổi, mẹ anh Thích) kể thêm, thật ra trên đầu trụ tháp “ông Một” còn có cái ngọn hình tròn như cái bông sen. Khoảng năm 1970, một chiếc tàu chiến tuần tra trên sông của Mỹ đã va đập mạnh vào trụ đá. Dù bị tàu Mỹ tác động vào một lực rất mạnh nhưng “ông Một” không hề “xi nhê” gì mà chỉ bị nghiêng một góc 30 độ, còn ngọn “bông sen” bị gãy ngang và ngã đổ rồi chìm mất xuống lòng sông.

Ngư dân Nguyễn Văn Thích đang kể lại về sự tích “ông Một” 

Ông Huỳnh Văn Hoàng (65 tuổi, người có nhiều năm bỏ công sức nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa lịch sử vùng đất Bửu Hòa quê ông), nhà ở ven sông cách sát trụ đá 30 m thuộc khu phố 4, phường Bửu Hòa (Biên Hòa) cho rằng thật ra “ông Một” do người Pháp xây dựng những năm đầu thế kỷ XX cùng thời điểm xây dựng cây cầu Ghềnh bắt qua sông Đồng Nai.

Trong cuốn “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” (NXB Đồng Nai, 1998) ghi năm 1901 quốc lộ 1 và đường sắt Sài Gòn - Nha Trang chạy qua tỉnh Biên Hòa được khởi công. Cùng trong năm này, công trình cầu Ghềnh cũng được nhà cầm quyền Pháp cho triển khai đào móng thi công bắc qua mỏm tây của cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa). Đầu thế kỷ 20, quốc lộ đi qua Biên Hòa có mặt đường hẹp, rộng chừng 5 m, được rải đá và cấp phối sơ sơ, trong đó cầu được xây dựng bằng bê tông và sắt thép nên rất vững chắc. Năm 1903, cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, chế tạo bắc ngang qua sông Đồng Nai đã được làm xong và đưa vào sử dụng.

“Nhiệm vụ” và sứ mệnh cảnh báo đá ngầm của “ông Một” đã kết thúc thay vào đó là những trụ phao nổi (màu đỏ) trên sông

Còn cách chân cầu Ghềnh khoảng 900 m, người Pháp cho xây thêm một trụ đá cao 4 m. Trụ đá này được ví như là “ngọn hải đăng” trên sông có hai nhiệm vụ, một là cảnh báo thuyền trưởng của tàu thuyền đi từ hướng từ sông Sài Gòn đi về tỉnh Biên Hòa (cũ) là trên khúc sông này phải quan sát chú ý và đi theo luồng sông để tránh va vào đá ngầm, hai là cách đó 900 m là có cây cầu sắt có chiều cao giới hạn dưới 4 m.

Ông Huỳnh Văn Hoàng nhớ lại vào khoảng những năm 1990, có một nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM và ĐH Kiến trúc TP.HCM có xuống khảo sát và nghiên cứu cách xây dựng cầu Ghềnh của những kỹ sư người Pháp xưa. Nhóm sinh viên này đã thuê ghe dân làng chài “bơi” ra tận “ông Một” để cạo lớp vôi vữa trên thân trụ đá và lấy mẫu gạch, đá đi kiểm nghiệm mới biết được chất liệu vôi, đá của “ông Một” tương ứng niên đại với trụ chân cầu Ghềnh.

Ngày nay, trụ đá “ông Một” là một di tích, chứng tích của lịch sử cần được bảo tồn.

Ngày nay, trụ đá “ông Một” đã kết thúc nhiệm vụ và sứ mệnh cảnh giới tàu thuyền qua lại khúc sông có nhiều đá hàn ngầm. Thay vào đó, ngành  đường thủy Đồng Nai đã cho dựng nhiều trụ phao nổi (màu đỏ) dọc trên sông để làm tín hiệu cảnh báo đoạn sông có lớp đá ngầm nguy hiểm. Dù sao đi nữa thì trụ đá “ông Một” đã gắn liền với ngư dân sống trên vùng sông nước bằng những truyền thuyết mang đầy tính nhân đạo, nhân văn tốt đẹp của người xưa.

Một di tích, chứng tích, lịch sử thời khai phá và xây dựng cầu đường trên sông cần được cơ quan chức năng ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai quan tầm, bảo tồn và gìn giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới