Kỷ luật tích cực để thấu hiểu, hỗ trợ học sinh

(PLO)- Thay vì đình chỉ học tạm thời hay yêu cầu viết bản kiểm điểm khi học sinh vi phạm, nhiều trường học tại TP.HCM đã dùng hình thức kỷ luật tích cực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, tại TP.HCM xảy ra nhiều vụ học sinh (HS) đánh nhau gây xôn xao dư luận. Trong quá trình đưa ra hình thức kỷ luật, lãnh đạo các trường đều hết sức cân nhắc.

Học sinh vi phạm được đi đọc sách

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp), chia sẻ sau khi xuất hiện clip HS của trường đánh nhau trên mạng xã hội, trường đã lập hội đồng kỷ luật.

“Trường không áp dụng hình thức đình chỉ học dù quy định cho phép bởi các em nghỉ học ở nhà sẽ không ai quản lý. Do đó, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để HS đi học bình thường.

kỷ luật tích cực
Học sinh vi phạm nội quy Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đang chăm chú đọc sách tại thư viện. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong hai tuần đầu, cứ đến giờ ra chơi, các em sẽ đến thư viện đọc các sách về đạo đức, ghi lại cảm nhận khi đọc xong từng cuốn sách. Sau đó, vào giờ chào cờ, các em sẽ thay phiên nhau kể lại câu chuyện yêu thích trước toàn trường” - bà Ánh cho biết.

Cũng theo bà Ánh, khi HS mắc lỗi, quan trọng là giải quyết thế nào để các em nhận ra sai lầm rồi sửa chữa, đồng thời biết hướng đến những điều tích cực hơn trong cuộc sống.

Ở tuổi mới lớn, nhiều em có tâm lý muốn thể hiện bản thân, ngay cả việc đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng cũng với mục đích này dù rất tiêu cực. Hình thức kỷ luật mềm, tích cực mà nhiều trường đang áp dụng để giáo dục các em rất nhân văn, giúp các em nhận ra sai lầm và tự điều chỉnh hành vi của bản thân, sống có trách nhiệm hơn.

Ông TRỊNH VĨNH THANH, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp

Tương tự, đầu tháng 4-2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) bắt đầu áp dụng hình thức xử phạt mới với HS vi phạm. Thay vì viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích… thì các em được yêu cầu đến thư viện đọc sách.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết lỗi vi phạm chủ yếu là đi học trễ, không tuân thủ mặc đồng phục của trường… “Xử lý thế nào thì mục đích chính cũng là giáo dục các em. Trường dùng cách này nhằm khuyến khích HS đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong trường học” - ông Phú nói.

Không khuyến khích đình chỉ học

Theo TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia - Phân viện tại TP.HCM, hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với HS vi phạm không những không giải quyết được căn nguyên của vấn đề, đôi khi còn làm bùng nổ mâu thuẫn.

“Kỷ luật HS phải trên tinh thần nhân văn. Giáo viên phải là người tham vấn tâm lý cho HS, lắng nghe và trò chuyện để thấu hiểu đằng sau đó các em muốn bộc lộ gì. Khi giải quyết được những bức xúc, các em sẽ nhận ra hành vi của mình và thay đổi” - TS Thúy nói.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: “Sở GD&ĐT không khuyến khích trường học áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học vì sẽ khiến HS bị gián đoạn việc học”.

Ông Dũng chia sẻ Sở GD&ĐT đang hướng các trường thực hiện biện pháp kỷ luật tích cực nhằm giúp đỡ, hỗ trợ HS, không gây áp lực cho các em.

“Kỷ luật phải vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục, thuyết phục. Tuy nhiên, mức độ ra sao thì các trường phải dựa vào tình hình thực tế để áp dụng” - ông Dũng nói thêm.

Kỷ luật tích cực giúp học sinh sửa sai

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết sau thời gian thực hiện đọc sách vào giờ ra chơi, các HS vi phạm đã có tiến bộ tích cực.

Em QNTV tâm sự: “Em cứ nghĩ sau khi đánh nhau sẽ bị đình chỉ học, không ngờ thầy cô đã cho em và các bạn cơ hội sửa sai bằng cách này. Tại thư viện, em chọn đọc hai cuốn là Tình thân áiMẹ không phải người giúp việc”.

w-P13_ky luat tich cuc_H2.jpg
Clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh đánh bạn trong nhà vệ sinh. (Ảnh cắt từ clip)

“Trong cuốn Tình thân ái, em thích nhất chuyện Lỗi lầm và tha thứ. Nhờ vậy, em nhận ra trong cuộc sống ai cũng mắc sai lầm lớn hoặc nhỏ, quan trọng là biết sai để sửa, biết sống khoan dung và tha thứ” - em V bày tỏ.

Còn BT, “người gác cửa” trong clip HS đánh nhau, cũng cho rằng phạt đọc sách rất có ích: “Đọc sách ngoài bổ sung kiến thức còn là cơ hội để em nhìn lại mình và những việc đã qua…”.

Cô Bùi Thị Liên, nhân viên thư viện của trường, chia sẻ: “Ban đầu tôi phải nhắc trên loa để các em xuống đúng giờ nhưng khi đã quen, các em tự giác hơn và đọc sách với thái độ rất tích cực, vui vẻ…”.

Từ năm học này, đối với lớp tôi chủ nhiệm, nếu HS nào không tham gia bất cứ hoạt động gì, không giơ tay phát biểu trong giờ học sẽ được mời thuyết trình về một cuốn sách hoặc kể một câu chuyện mình yêu thích vào giờ sinh hoạt lớp.

Hình thức trên được đưa ra với mong muốn các em sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn, đồng thời cũng là cách khuyến khích văn hóa đọc trong lớp.

Sau một thời gian thực hiện, tôi nhận thấy đa số HS rất hưởng ứng. Không ít em dành thời gian tìm tòi những cuốn sách hay để đọc, mục đích là sẽ có được bài thuyết trình ấn tượng trước cô giáo và các bạn.

ĐỖ THỊ NGỌC MAI, giáo viên
Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm