Kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM

(PLO)- Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự đau đáu khi TP.HCM chưa có những thiết chế văn hóa cơ sở xứng tầm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-12, UBND TP.HCM phối hợp Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM (1963-2023) tại Trung tâm hội nghị thành phố.

Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Mãi trao cờ truyền thống cho Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM. Ảnh: VĂN HÀ

Văn học nghệ thuật TP vẫn còn nhiều hạn chế

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí Thư Thành ủy TP.HCM đã nhìn lại chặng đường 60 năm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM và nhận thấy có một dòng chảy liên tục kế thừa, đổi mới.

Nguyễn Văn Nên
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ

"Sự phát triển của khoa học nghệ thuật thành các hoạt động sáng tạo sáng tác quảng bá biểu diễn tác phẩm văn học nghệ thuật luôn được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả.

Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM tiền thân là Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định, được thành lập đầu tháng 12-1963.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hội đổi tên thành Hội Văn nghệ giải phóng TP.HCM, đến năm 1985 hội được đổi thành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM.

Từ năm 2001 đến nay hội chính thức mang tên Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.

Khuynh hướng sáng tác biểu diễn nghệ thuật lành mạnh, tích cực… đang phát triển. Anh, chị, em văn nghệ sĩ trong ngôi nhà chung của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cũng phát triển theo về số lượng, chất lượng" – ông Nên cho hay.

Theo ông Nên, hoạt động của Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM năm 2023 đã vượt qua nhiều khó khăn và làm được rất nhiều việc trong đó có những việc rất đáng trân trọng hoan nghênh.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận có nhiều việc vẫn chưa làm được, nhiều hạn chế thậm chí là yếu kém mà ai cũng có thể nhận thấy.

Khi hỏi về tình hình văn học nghệ thuật của thành phố, nhiều người nhận xét chung là ngày càng thiếu vắng những tác phẩm có giá trị như ngày xưa, tên tuổi những tác phẩm tác giả cũng từ đó bớt lại so với ngày trước" – ông Nên nói.

nguyen-van-nen5 (2).JPG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thăm hỏi các văn nghệ sĩ lão thành

Cũng theo ông Nên, TP.HCM là nơi hội tụ kết tinh những con người năng động sáng tạo. TP.HCM có đội ngũ nghệ sĩ đông đảo đa dạng tài năng hoạt động từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đến hàn lâm.

Về đào tạo, TP.HCM có nhiều trường như ĐH Mỹ Thuật, múa, sân khấu điện ảnh, Văn hóa nghệ thuật… cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động đa dạng, văn hoá văn nghệ rộng khắp.

"Thế nhưng về sau chất lượng đào tạo sáng tác trên một lĩnh vực dường như có chiều hướng chững lại, càng thiếu vắng những tác phẩm để đời có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật còn hạn chế. Đội ngũ lý luận còn thiếu và thiếu lực lượng kế thừa. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống còn khó khăn. Công tác quản lý về văn hoá nhất là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật còn bất cập. Sự thật, chúng tôi rất đau đáu việc thành phố chưa có những thiết chế cơ sở xứng tầm" - ông Nên chia sẻ.

nguyen-van-nen3.JPG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và NSND Minh Đức,

"Về phần mình chúng tôi nhận thức rằng, khi các anh chị em lúng túng thì chúng tôi xem lại mình có thiếu mục tiêu rõ ràng hay không?

Khi anh chị em văn học nghệ thuật không biết cách để làm thì có lẽ do mình thiếu phương pháp, các anh chị em không biết cái nào trọng tâm, cái nào trước cái nào sau thì xem lại kế hoạch chỉ đạo của mình.

Và khi những hoạt động còn thiếu hiệu quả chất lượng chưa tốt thì sẽ xem lại quy trình để động viên khích lệ. Khi anh em trong lĩnh vực này còn thiếu tiến bộ, bị chựng lại thì chúng ta phải xem lại khâu đào tạo. Khi anh em thiếu nề nếp, kỉ cương thì chúng ta xem lại chính sách xử phạt của mình"- ông Nên cho hay.

Lấy hội viên làm trung tâm để xây dựng

Tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo thành phố, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết Đảng đoàn ban chấp hành Liên hiệp sẽ tập trung phát huy trí tuệ tập thể cá nhân để thực hiện những vấn đề được đề cập.

nguyen-truong-luu.JPG
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Hội

"Liên hiệp đặt mục đích vì sự phát triển và hiệu quả hoạt động của các Hội lên trên hết, lấy hội viên làm trung tâm để xây dựng, phát huy những giá trị đạt được. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn khối văn học nghệ thuật, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố, đất nước" – Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho hay.

Bên cạnh đó, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho biết thêm, để hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật phát động 3 chương trình cho giới văn học nghệ thuật để hướng đến ngày kỷ niệm, xứng đáng với thành phố mang tên Bác.

nguyen-van-nen2.JPG
nguyen-van-nen1.JPG
Trao tặng bằng khen cho các văn nghệ sĩ

Dịp này, lãnh đạo TP đã trao tặng cờ truyền thống cho Liên hiệp và bằng khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật của TP.HCM.

Bí thư thành uỷ TP.HCM cũng nhấn mạnh các vấn đề cần làm trong thời gian tới như chú trọng sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý văn hoá văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường; chính quyền hoàn thiện, bổ sung chính sách mới để tập trung nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về văn hoá; khích lệ tinh thần tự do sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; xây dựng hệ thống giải thưởng vinh danh tác giả, tác phẩm xứng đáng; chính sách, chế độ đãi ngộ, chăm lo dành cho nghệ sĩ, đặc biệt với các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống neo đơn, khó khăn; tìm tòi sáng tạo, kết nạp người tài; xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh…

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng văn hoá. Liên hiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành văn hoá, cơ quan chức năng tham mưu cho Thành uỷ, UBND, UB MTTQVN TP.HCM để ban hành những chính sách, cơ chế thí điểm đặc thù cho lĩnh vực văn học nghệ thuật theo Nghị quyết 98.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm