Kỹ sư áo nâu

Đường về các huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười (Long An) bây giờ có thêm nhiều chiếc cầu bê tông kiên cố thay cho cầu “khỉ” chênh vênh, nhiều căn nhà tình thương mới… Người dân ở đây khoe do ông “kỹ sư áo nâu” xây.

Ông là Đại đức Thích Lệ Tấn (tên thật là Võ Văn Dực, sinh năm 1950), trụ trì chùa Giác Hoa (Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh, Long An).

Trực tiếp giám sát công trình

Buổi trưa ở Đồng Tháp Mười nắng như thiêu đốt, chúng tôi gặp đại đức tại công trình đang xây dựng dở dang. Cầu treo kênh Dương Văn Dương (xã Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh) dài 72 m, rộng 3 m, tải trọng 3,5 tấn do chùa Giác Hoa làm chủ đầu tư.

Mỗi ngày hai buổi đều đặn, đại đức đến công trường trực tiếp giám sát thi công. Ông nói về thép I200, U100, về mố, mang cá, dầm, sàn, cọc nhồi… như một chuyên gia xây dựng thực thụ. Biệt danh “kỹ sư áo nâu” cũng xuất phát từ đây.

“Đây là chiếc cầu treo lớn nhất và duy nhất bắc qua kênh đào Dương Văn Dương dài 45 cây số, nối tỉnh Long An và Đồng Tháp. Mấy chục năm nay do không có cầu nên người dân hai bên bờ phải đi đò ngang, vừa tốn kém lại vừa nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Mỗi ngày tại ba điểm trường cũng có ít nhất 500 học sinh, cộng với người dân địa phương, bình quân có khoảng 1.000 lượt người qua đò mỗi ngày. Tôi đã định bụng sẽ vận động xây dựng một chiếc cầu bắc qua kênh từ lâu nhưng do kinh phí xây dựng khá lớn nên đến nay mới thực hiện được. Cầu có tổng kinh phí 1,5 tỉ đồng, trong đó kinh phí của Nhà nước 600 triệu đồng, phần còn lại do nhà chùa vận động. Thời gian khởi công đến hoàn thành, thông xe dự kiến khoảng ba tháng nhưng tôi động viên anh em công nhân ráng sức để cầu hoàn thành sớm hơn, thông xe ngay dịp tết” - đại đức chia sẻ.

Đại đức Thích Lệ Tấn (người thứ hai, từ phải sang) trực tiếp giám sát công trình. Ảnh: TẤN QUỐC

Khi quyết định xây chiếc cầu treo này, đại đức còn đích thân đến tận Châu Thành (An Giang) mời “kỹ sư Hai Lúa” Ba Nhơn, một trong ba thành viên của đội “Tam gia cầu treo” lừng tiếng chuyên xây cầu treo nông thôn. Bởi vậy, tại công trường luôn có hai đội công nhân khoảng 15 người, một đội chuyên về xây cầu treo đến từ An Giang và đội còn lại là đội thợ hồ lành nghề địa phương đã gắn bó lâu năm với đại đức. Ngoài ra, người dân địa phương cũng sẵn sàng giúp sức cho công trình.

Kỷ lục gia xây cầu

Cái duyên xây cầu đến với Đại đức Thích Lệ Tấn từ những năm 1997, khi đó đa số cầu ở nông thôn đều là “cầu khỉ” gập ghềnh. Học sinh vùng quê nhiều lần bỏ học vì rơi xuống sông ướt hết quần áo, sách vở. Có trường hợp chết đuối rất thương tâm. Đại đức đã bỏ nhiều công sức đi khảo sát thực địa, sau đó vận động kinh phí từ các mạnh thường quân. Ban đầu ông xây những chiếc cầu nhỏ, sau đó, ông cùng nhóm thợ mày mò nghiên cứu để thiết kế những chiếc cầu sao cho giá thành rẻ nhưng bền đẹp, được ngành xây dựng cấp phép. Những chiếc cầu bê tông mang thương hiệu của ông “kỹ sư áo nâu” bắt đầu xuất hiện ở vùng quê nghèo, từ Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành đến một số địa phương ngoài tỉnh như Cái Bè (Tiền Giang), Tháp Mười (Đồng Tháp)… “Nhiều năm rút kinh nghiệm, những chiếc cầu sau này thầy luôn dặn anh em thợ xây dầm cong thay vì thẳng để vừa đẹp vừa bền chắc do không đọng nước, vật liệu cũng do chính thầy trực tiếp đi mua tận TP.HCM để chi phí xây dựng thấp” - anh Nguyễn Thành Sơn, một thợ hồ nhiều năm theo đại đức xây cầu, kể.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Đại đức Thích Lệ Tấn là người đầu tiên vận động xây dựng cầu nông thôn nhiều nhất tỉnh (lên đến hàng trăm cây). Mỗi cây cầu giá trị từ 40 triệu đến hàng tỉ đồng. Trung bình mỗi năm ông vận động sửa chữa, xây mới khoảng 20 cây cầu nông thôn, quyên góp từ thiện trên dưới 6 tỉ đồng.

Những ngày cuối năm ông lúc nào cũng bận rộn, buổi trò chuyện với chúng tôi phải gián đoạn nhiều lần bởi điện thoại ông liên tục reo: “Ngày mai thầy bận rồi, sáng phải đi phát gạo ở Tân Lập, chiều trao xe lăn ở Tân Ninh, ngày mốt cũng bận luôn, vì còn trao tập sách cho học sinh nghèo ở Bắc Hòa. Chú cứ tính đi rồi báo lại thầy biết, để làm sao đầu năm nay ta phải hoàn thành sớm năm  cây cầu mới nữa”.

Ông Nguyễn Văn Cheo, Trưởng ban Tôn giáo-Dân tộc, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Long An, thông tin chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2013, đại đức cùng tăng, ni phật tử chùa Giác Hoa đã trao tặng 397 suất quà cho hộ nghèo, xây dựng bảy cầu nông thôn, cấp học bổng 69 em, tiếp sức cho 1.041 học sinh nghèo hiếu học được đến trường. Ngoài ra, đại đức còn quyên góp tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo, thăm và tặng 15 phần quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 705 hộ nghèo, mổ mắt miễn phí 535 ca… với tổng trị giá hơn 2 tỉ 300 triệu đồng.

______________________________________

Đây là một trong những chiếc cầu treo nông thôn lớn mà đội chúng tôi tham gia thực hiện từ trước đến nay. Đó cũng là chiếc cầu được thi công với thời gian nhanh nhất.

Ông BA NHƠN (An Giang), thành viên của đội “Tam gia cầu treo” lừng tiếng chuyên xây cầu treo nông thôn

  

TẤN QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm