Chiều 29-6, sau khi kết thúc môn thi cuối, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo để thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Kỳ thi diễn ra an toàn
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, thông tin: Công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
41 là số TS bị đình chỉ thi (văn: 12, toán: 4, khoa học tự nhiên: 11, khoa học xã hội: 11, ngoại ngữ: 3).
Trong đó, một TS mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 TS mang điện thoại di động vào phòng thi). Bên cạnh đó, sáu cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ.
Công tác phòng, chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt, tuy nhiên trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh (TS) cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.
Trong đó có việc hai TS tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh, làm rõ và đình chỉ hai TS trên.
Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.
Lộ đề không gây ảnh hưởng đến chất lượng cả kỳ thi
Riêng về vụ việc lộ đề thi môn toán và văn, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết dù nguy cơ sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử đã được dự báo, nêu ở nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn nhưng vẫn có TS cố tình sử dụng thiết bị công nghệ cao chuyển đề thi ra ngoài.
Đây là hành vi sai phạm của cá nhân TS, không gây ảnh hưởng đến chất lượng cả kỳ thi.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: PHI HÙNG |
Trường hợp xuất hiện các đối tượng liên quan Bộ GD&ĐT và Bộ Công an sẽ xử lý theo quy định. Hiện hai TS làm lộ đề thi đến từ Yên Bái và Cao Bằng đều bị đình chỉ thi theo quy chế và không được tham gia các bài thi còn lại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho hay qua xác minh, Bộ Công an đã phát hiện đối tượng bên ngoài hỗ trợ TS nhưng theo thông tin hiện nay, đối tượng bên ngoài không có câu trả lời chuyển vào.
Chính vì vậy, đại diện Bộ Công an cũng khẳng định vụ việc không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra những người có liên quan đến vụ việc trên. Xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử lý trường hợp hai TS nêu trên. Nếu thấy cần thiết sẽ xử lý hình sự nhưng cũng cần cân nhắc đến yếu tố nhân văn.
Trước thắc mắc về phần nghị luận xã hội của đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trùng với đề thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đề nghị luận văn học trùng với đề thi thử của Nghệ An, GS Nguyễn Ngọc Hà, trưởng ban đề thi, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa vào quy trình kiểm soát trùng lặp nội dung đã thi bằng cách sử dụng phần mềm để quét dữ liệu. Tất cả môn thi đều sử dụng cách thức này nên đã hạn chế rất nhiều phần trùng lặp.
Việc trùng lặp đối với đề thi văn chỉ là trùng lặp ngữ liệu chứ lệnh hỏi hoàn toàn không trùng lặp. Vì chương trình môn văn có 17 tác phẩm, trong đó chỉ sử dụng được 15 tác phẩm (hai tác phẩm không thuộc phần giao của chương trình giáo dục thường xuyên). Mỗi tỉnh có 2-3 lần thi thử nên không tránh khỏi việc trùng dữ liệu.
Chia sẻ liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao).
Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GD&ĐT, ban chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách.
Bộ GD&ĐT chưa để các tỉnh tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT
PV đặt câu hỏi Bộ GD&ĐT sẽ duy trì kỳ thi “hai trong một” này đến khi nào.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết chủ trương chung trong mọi vấn đề là phân cấp. Thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa tính đến việc để các tỉnh tổ chức kỳ thi này vì chưa phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: PHI HÙNG |
“Đây là kỳ thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả), có đến 60% trường sử dụng kết quả để xét tuyển vào ĐH. Nếu mỗi tỉnh ra một đề thi có mức độ khó - dễ khác nhau, liệu có bảo đảm công bằng? Ngoài ra, để cho từng tỉnh tổ chức kỳ thi cũng không đơn giản” - Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh.