Lâu nay, trong khi người dân truyền tai nhau “có thể sắm được biển số đẹp theo ý muốn” thì cơ quan quản lý khẳng định phần mềm cấp biển số bằng việc bấm số ngẫu nhiên là không thể can thiệp được.
Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến sự việc hai vợ chồng ở Đồng Nai cùng bấm được bốn biển số “siêu đẹp”, cũng như bốn biển số mới được cấp ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho các xe máy đắt tiền.
Thực tế, từ khi việc cấp biển số được triển khai thực hiện và giao đến cấp huyện, cấp xã thì đã có nhiều người ngẫu nhiên bấm được những biển số ngũ quý, ngũ lộc, ngũ phát, sảnh tiến (999.99, 666.66, 888.88, 56789…) và họ xem đó là sự may mắn. May mắn thì luôn là số ít và những người bấm được biển số hiếm được giới săn biển số đẹp gán cho biệt danh “bàn tay vàng trong làng bấm biển số”.
Ảnh minh họa. Ảnh: VŨ HỘI |
Trong vụ việc ở Đồng Nai, chi tiết làm nhiều người không khỏi ngỡ ngàng là xe máy YZr (phiên bản giới hạn, có giá 500 triệu đồng) khi được gắn biển số 60B6-888.88 thì ngay lập tức chủ xe đã bán với giá 1,5 tỉ đồng. Nói cách khác, biển số 888.88 sau khi gắn lên xe có giá cả tỉ đồng và chưa chắc dừng lại ở giá đó với dân chơi xe hiếm, biển số “độc”.
Thực tế trên chỉ ra rằng các biển số đẹp có giá tiền tỉ không chỉ là biển số ô tô mà còn cả biển số xe máy. Và dù cơ quan chức năng có khẳng định rằng “không thể can thiệp” vào phần mềm bấm biển số nhưng bằng cách nào đó, những biển số đẹp vẫn cứ “ngẫu nhiên” rơi vào các siêu xe. Nếu ô tô thì rơi vào Lexus, Audi, Mercedes, BMW... Nếu xe máy thì SH, Space đời cũ, xe có giá trị cao... Đây đều là những loại xe mà chủ sở hữu là những người có điều kiện kinh tế, nên việc dư luận nghi ngờ có chuyện “mua bán” biển số xe là điều dễ hiểu.
Năm 2022, ở An Giang có đến năm cán bộ công an bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì đã can thiệp vào phần mềm đăng ký, quản lý biển số xe. Điều này cho thấy rằng phần mềm bấm biển số có thể bị một số người (viết hoặc quản lý phần mềm đó) can thiệp.
Nói cách khác là có một số người đã sử dụng quyền lực mà Nhà nước trao cho họ (hoặc sử dụng những thông tin bí mật của ngành) để tạo ra “đặc quyền, đặc lợi” cho người có nhu cầu sở hữu biển số đẹp, không chỉ dừng lại ở ô tô mà có cả xe máy.
Chính vì vậy, trong sự việc ở Đồng Nai, Ban giám đốc công an tỉnh này và Bộ Công an đã vào cuộc để làm rõ có hay không sự can thiệp trái pháp luật của con người vào việc bấm cùng lúc ra bốn biển số xe siêu đẹp, hay đơn giản chỉ là ngẫu nhiên, do những “bàn tay vàng trong làng bấm biển số” may mắn có được.
Bước đầu, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện sai phạm trong quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đã tạm đình chỉ một phó công an xã và đang làm rõ thêm những bất thường trong sự việc này. Tương tự, ở Đồng Tháp, công an tỉnh cũng bước đầu cho rà soát sự việc.
Theo Nghị quyết 73/2022/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1-7 tới đây sẽ thí điểm đấu giá biển số xe nhưng chỉ với ô tô, còn với biển số xe máy thì chưa xem xét.
Tuy nhiên từ thực tế trên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần xem xét, đưa biển số xe máy vào diện đấu giá. Khi mà giá biển số đẹp cho xe máy đã lên tới hàng tỉ đồng thì việc đấu giá biển số vừa giúp Nhà nước tăng thu ngân sách vừa không phải mất công sức ngăn ngừa, xử lý việc can thiệp, “mua bán” biển số xe. Bởi thực tế có những phần mềm được cho là bảo mật, không can thiệp được nhưng vẫn bị xâm nhập, mà vụ án ở các trung tâm đăng kiểm là một ví dụ điển hình.
Suy cho cùng, luật pháp có nghiêm khắc, chặt chẽ đến đâu, các biện pháp kỹ thuật có tiên tiến cỡ nào thì vẫn do con người tạo ra và vận hành. Vì vậy, công khai, minh bạch bằng việc đấu giá biển số đẹp cho cả ô tô và xe máy là cách ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực này tốt nhất.