TP.HCM XÂY DỰNG Y TẾ THÔNG MINH – BÀI CUỐI:

'Lãi ròng' từ y tế thông minh

“Tôi đưa ra một minh chứng sống động cho thấy tầm quan trọng của y tế thông minh. Từ trước tới nay, các bác sĩ (BS) công tác ở bệnh viện (BV) sẽ được mời hội chẩn khi gặp một ca bệnh khó. Trong khi các BS ở trạm y tế không thể hội chẩn khi gặp một số khó khăn về chuyên môn hoặc người bệnh không tin tưởng nên chỉ còn cách giới thiệu bệnh nhân lên những BV tuyến trên.
Tuy nhiên, hình ảnh BS ở trạm y tế “đơn lẻ” một mình trong công tác khám, chữa bệnh hầu như biến mất từ khi Sở Y tế TP.HCM phối hợp các BV đa khoa, chuyên khoa TP triển khai ứng dụng “teleconsultation” (tư vấn từ xa). Với ứng dụng này, BS ở trạm y tế được kết nối với BS chuyên khoa tại những BV tuyến cuối để cùng xử lý ca bệnh khó” – PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Y tế thông minh phục vụ 3 nhóm chính
. Phóng viên: Ông có thể nói thêm tầm quan trọng của y tế thông minh đối với người dân, cở sở khám chữa bệnh và công tác quản lý nhà nước của ngành y tế TP.HCM.
+ PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng: Đề án đô thị thông minh của TP.HCM tựu trung 5 cấu phần cụ thể. Bao gồm chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm đảm bảo an ninh mạng.
Y tế là một trong những ngành mũi nhọn được UBND TP.HCM chọn để triển khai trong giai đoạn đầu xây dựng đô thị thông minh. Trên cơ sở đó và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngành y tế TP.HCM xác định xây dựng y tế thông minh là hướng đến phục vụ 3 nhóm chính. Đó là người dân, các cơ sở y tế và công tác quản lý nhà nước của ngành y tế.
Đối với người dân: Làm thế nào để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh; dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh, để được hướng dẫn; hướng đến người dân tự quản lý sức khoẻ thông qua sự kết nối từ xa những thông số sức khoẻ với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh: Làm thế nào để BS tiếp cận được những kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới; giảm thiểu các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh; giảm bớt những thủ tục hành chính, giấy tờ trong BV; BS tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với BS tuyến trên để hội chẩn, để được tư vấn.
Đối với công tác quản lý nhà nước của ngành y tế: Làm thế nào triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác; đẩy mạnh cải cách hành chính của ngành y tế, triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) sử dụng thiết bị hiện đại để phục vụ bệnh nhân với chi phí hợp lý. Ảnh: TRẦN NGỌC

Xây dựng 2 nhóm hoạt động tách biệt

. Muốn đạt được y tế thông minh, ngành y tế TP.HCM phải làm gì và hiện đã làm được gì, thưa ông?
+ Rất nhiều việc cần làm. Ngành y tế TP.HCM đã xây dựng được lộ trình và tách biệt 2 nhóm hoạt động với nhiều hoạt động cụ thể theo thứ tự ưu tiên: (1) Nhóm hoạt động chuyển đổi số. Bên cạnh hướng đến mục tiêu quan trọng là xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được ngành y tế xác định là công cụ quan trọng để cải cách thủ tục hành chính và giảm phiền hà, than phiền của người dân; (2) Nhóm hoạt động xây dựng y tế thông minh: Bên cạnh những hoạt động hướng đến đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT)… vào lĩnh vực y tế, ngành y tế TP.HCM yêu cầu các BV và các cơ sở y tế cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân.
Cụ thể, ngành y tế TP.HCM xác định 5 nhóm hoạt động chính cần phải triển khai khi xây dựng y tế thông minh:
(1) Chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đồng thời đóng góp cho big data (thuật ngữ “big data” đề cập đến việc sử dụng nguồn dữ liệu phức tạp, nhanh chóng, nổi bật với số lượng lớn – PV) của TP.
(2) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ.
(3) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn và công tác quản lý cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ tại các BV và cơ sở y tế.
(4) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước của ngành y tế.
(5) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời kỳ COVID-19 và trong bối cảnh bình thường mới.

Một bệnh nhân đang được các bác sĩ của BV Lê Văn Thịnh đặt máy tạo nhịp tim công nghệ mới. Ảnh: TRẦN NGỌC

 
Ngành y tế TP.HCM tự hào mạng lưới y tế dự phòng
Phát triển mạng lưới y tế dự phòng và phát triển kỹ thuật chuyên sâu là 2 lĩnh vực mà ngành y tế TP.HCM có thể tự hào khi so sánh với các nước trong khu vực.
Thành quả bước đầu trong kiểm soát và khống chế sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng là một minh chứng sống động của hệ thống y tế dự phòng nước ta mà TP.HCM là một trong những địa phương tiêu biểu.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất chính là hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chưa đủ mạnh để thật sự là “người gác cổng” cho các BV.
Hình ảnh “tam giác ngược” trong phân bố số lượt khám chữa bệnh giữa các tuyến - tuyến 1 (trạm y tế, các phòng khám trong cộng đồng) lại chiếm tỉ trọng ít nhất. Trong khi các BV tuyến 2 (BV quận, huyện) và nhất là BV tuyến 3 (các BV đa khoa, chuyên khoa của TP) chiếm tỉ trọng nhiều nhất. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng chi tiêu cho y tế, gây quá tải kéo dài tại các BV tuyến cuối nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. 
Y tế thông minh là lộ trình dài nhiều giai đoạn
. Ông có thể cho biết khi nào ngành y tế TP.HCM kết thúc lộ trình y tế thông minh?
+ Ngành y tế TP.HCM xác định xây dựng “Y tế thông minh” là một lộ trình dài nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn cần có những mục tiêu phấn đấu cụ thể.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế TP đã xây dựng đề án “Chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh” trình UBND TP.HCM phê duyệt. Trong đó, xác định mục tiêu phấn đấu cho từng cơ sở y tế như sau:
Đối với trạm y tế và trung tâm y tế quận, huyện: Quản lý sức khoẻ người dân bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR).
Đối với BV và các cơ sở khám chữa bệnh: Quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử (EMR).
Đối với Trung tâm Cấp cứu 115: Điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC): Ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, quản lý bệnh không lây nhiễm.
Đối với Sở Y tế: Xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế (nhân lực y tế, chứng chỉ hành nghề, danh mục kỹ thuật, cung ứng thuốc…). Bên cạnh đó, triển khai các ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế (dự báo, giám sát, điều phối, can thiệp…).
. Xin cám ơn ông.
Bệnh viện không tiếng ồn
Năm 2003, BV Da Liễu TP.HCM áp dụng phần mềm quản lý BV để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như hoạt động khám, chữa bệnh, quản lý viện phí, quản lý thuốc. Đến năm 2014, phần mềm phát triển theo chiều sâu và kết nối thành một khối thống nhất. Các BS điều trị bệnh ngoại trú có thể đưa ra chẩn đoán và ghi toa điện tử để nhân viên cấp thuốc dựa vào y lệnh và in hoá hoá đơn cho người bệnh. Viện phí cũng được vi tính hoá và tích hợp trong phần mềm quản lý.
Năm 2016, BV áp dụng mô hình “Bệnh viện không tiếng ồn”. Phần mềm kết nối với các màn hình ngoại vi để thông báo người bệnh số thứ tự, khám, xét nghiệm, đóng tiền, nhận thuốc… thay vì dùng loa như trước đây. Phần mềm cũng đã liên thông với hệ thống xét nghiệm và tất cả kết quả đều kết nối với hồ sơ bệnh án, giúp BS truy cập dữ liệu dễ dàng và trực quan. Ngoài bệnh án ngoại trú đã được vi tính hoá đầy đủ, hồ sơ cho người bệnh nội trú cũng được hoàn thiện khoảng 90% các công đoạn liên quan đến việc khám bệnh, chẩn đoán, y lệnh, điều trị và theo dõi.
TS-BS NGUYỄN TRỌNG HÀO, Giám đốc BV Da Liễu TP.HCM
Xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh”
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế TP.HCM nói chung và BV Lê Văn Thịnh (BV quận 2 cũ) gần như là điều bắt buộc để tiến tới xây dựng y tế thông minh. Mục tiêu là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, hướng tới mô hình BV “không giấy tờ” với tất cả thủ tục, quy trình đều được quy chuẩn, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
BV Lê Văn Thịnh hiện nâng cấp tổng thể hệ thống công nghệ thông tin để bước đầu hình thành ứng dụng nền tảng cơ sở dữ liệu và triển khai các ứng dụng trên thiết bị thông minh. BV cũng xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh” và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các khoa khám và chữa bệnh, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử. BV cũng phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.
BS TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức
 Bệnh nhân không phải làm lại các xét nghiệm
Năm 2018, BV Nguyễn Trãi đưa công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú bằng việc phát triển phần mềm VNPT HIS. Với phần mềm này, người bệnh dễ dàng tiếp cận và trao đổi với BV để khám từ xa, dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn giờ khám thuận lợi.
Phần mềm còn giúp bệnh nhân không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được BV trước đó đã làm. Phần mềm giúp nhân viên y tế của BV dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án trước đây của cùng một bệnh nhân trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học.
BS QUÁCH THANH HƯNG, Giám đốc BV Nguyễn Trãi TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm