Trong những tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Tuy nhiên, gần đây lãi suất huy động tiền đồng tăng dần khiến lãi suất đầu ra có nguy cơ tăng theo.
Cạnh tranh lãi suất quyết liệt
Không chỉ tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài mà ngay cả các kỳ hạn ngắn cũng đang được nhiều ngân hàng (NH) đẩy lên mức rất cao. Mới đây, NH SHB đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn chín tháng lên đến 8,2%/năm.
Đây là một trong những NH niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn chín tháng. Bởi cùng kỳ hạn này nhưng tại Kienlongbank khá thấp, chỉ 7%/năm, NCB 7,5%/năm, VietcapitalBank 7,8%…
Đối với các kỳ hạn dài, nhiều NH cũng tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử VPBank công bố biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 4-7 theo hướng tăng mạnh. Riêng lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy ở NH này tăng lên 8%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Với các sản phẩm đặc biệt như tiết kiệm phát lộc thịnh vượng, lãi suất cao nhất đã lên tới 8,4%/năm.
Đặc biệt, để hút khách hàng gửi tiền, nhiều NH còn áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất ưu đãi cho người từ 40 tuổi, 60 tuổi trở lên hoặc gửi tiết kiệm online. Chẳng hạn tại NH Nam Á Bank, kỳ hạn 36 tháng lãi suất lên tới 8,7%/ năm. Tương tự, PGBank đẩy lãi suất huy động kỳ hạn 37 tháng lên đến 8,5%/ năm. Ngoài ra, một số NH còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9%/năm.
Chị Phương Hoa, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm quà tặng tại quận 2, TP.HCM, cho biết NH mà chị đang gửi có quy mô nhỏ nhưng lãi suất huy động cao, lên tới trên 8%/ năm kỳ hạn sáu tháng. Không chỉ vậy, NH này còn có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi theo tuổi và gửi online còn được hưởng thêm một khoản lãi suất khá hấp dẫn.
Nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm lên cao. Ảnh: HTD
“Mức lãi suất này cao hay thấp phụ thuộc vào mức độ quan hệ giữa khách hàng và NH nên không có con số cụ thể. Song khoản tiền này được đưa bằng tiền mặt và lấy ngay khi mở sổ tiết kiệm. Số tiền gửi càng cao thì lãi suất càng cao. Lãi suất đầu vào tăng cao như vậy thì khó có thể níu giữ lãi suất cho vay có thể đứng yên” - chị Hoa nói.
Trong khi nhiều NH thi nhau tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì một số NH lớn lãi suất đứng yên hoặc chỉ nhích nhẹ. Đơn cử Vietcombank áp dụng biểu lãi suất nhiều kỳ hạn ở mức thấp nhất trên thị trường và chưa thay đổi. Chẳng hạn đối với kỳ hạn chín tháng, khách hàng gửi tiết kiệm tại NH này chỉ được hưởng 5,5%/năm, tức là thấp hơn mức lãi suất cùng kỳ hạn của SHB tới 2,7%/năm.
Lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng cao Do gần đây nhiều NH tăng lãi suất huy động nên lượng tiền gửi vào NH tăng khá cao. Theo thống kê của NH Nhà nước, chỉ trong tháng 5, lượng tiền gửi từ các tổ chức bất ngờ tăng vọt gần 140.000 tỉ đồng, đạt 3,42 triệu tỉ đồng. Số liệu từ NH Nhà nước cũng cho thấy tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 4,67 triệu tỉ đồng, tăng 6,84% (tương đương tăng gần 300.000 tỉ đồng) so với đầu năm. |
Áp lực lên lãi suất cho vay
Lý giải về nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết cộng với việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ đã tác động lên tỉ giá…, kéo lãi suất tiền Việt tăng. Bên cạnh đó, lãi suất huy động ở các NH điều chỉnh tăng nhằm hút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để có nguồn tiền cho khách hàng vay.
Theo chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ, việc nhiều NH tăng mạnh lãi suất huy động là để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm nay theo yêu cầu từ NH Nhà nước. Cụ thể, các NH phải gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Chính điều này dẫn đến cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động giữa các NH và gây áp lực lên lãi suất cho vay, khiến các doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi khi phải chịu lãi vay cao, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh.
Lãi suất tiền gửi có còn tăng? Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới đây nhận định lãi suất huy động dù có ghi nhận tăng ở một số NH nhưng vẫn ở mức khá ổn định, do các NH thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ...). Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong năm nay. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó giảm, song nếu có tăng cũng tăng chậm trong xu hướng ổn định, ít có sự đột biến. Từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể thay đổi theo một trong hai hướng. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ có thể tìm giải pháp hỗ trợ để giảm lãi suất xuống. Ngược lại, lãi suất cũng có thể bị đẩy lên khi các đồng tiền trên thế giới suy giảm, đặc biệt là nhân dân tệ so với USD. Nếu vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD, lúc đó có thể có áp lực lớn lên tỉ giá và lãi suất Việt Nam phải giữ ở mức cao để tránh chuyện đầu cơ vào USD. Đại diện NH Nhà nước mới đây cho biết trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách, can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường. |