Sáng 9-5, Ban Thường vụ Công đoàn viên chức TP.HCM tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “BHXH với doanh nghiệp, người lao động (NLĐ)”. Tại buổi đối thoại, các cán bộ công đoàn đại diện cho NLĐ tại Khu công nghệ cao TP.HCM nêu lên những thắc mắc về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, đồng thời góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung.
Nên kéo dài thời gian nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Bà Võ Thị Huỳnh Trâm, Giám đốc nhân sự Công ty Sonion, chia sẻ: Theo quy định hiện nay, NLĐ chỉ có ba tháng để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trên thực tế hiện có trường hợp khi NLĐ nghỉ việc tại công ty này và đến công ty khác thử việc. Nhiều NLĐ cứ tự tin rằng thử việc sẽ được nhận vào làm chính thức. Thế nhưng sau đó có trường hợp không thể tiếp tục làm việc tại chỗ mới. Lúc này, mặc dù NLĐ không có việc làm nhưng đã hết thời gian ba tháng nghỉ việc tại công ty cũ nên không được giải quyết BHTN.
“Chính vì thế, luật sửa đổi lần này cần xem xét kéo dài thời gian nhận hồ sơ để giải quyết BHTN thay vì giới hạn trong vòng ba tháng sau khi nghỉ việc như hiện nay. Bởi khi NLĐ đóng BHTN thì quyền lợi của họ cũng phải được bảo đảm” - bà Trâm nêu.
Đại diện người lao động phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Trao đổi về ý kiến kéo dài thời gian nhận hồ sơ hưởng BHTN của NLĐ, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết theo Luật Việc làm, sau ba tháng khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì phải đăng ký nhận BHTN. Nếu sau ba tháng, NLĐ không nộp hồ sơ thì thời gian đóng BHTN của NLĐ sẽ được bảo lưu cho lần sau và phải đáp ứng một số quy định kèm theo.
“Theo quan điểm của tôi, nếu Luật Việc làm được sửa đổi thì tôi sẽ đề xuất không nên khống chế thời gian nhận hồ sơ hưởng BHTN. Bởi trong thời gian nghỉ việc, NLĐ đi kiếm công việc khác và việc tìm kiếm có thể là ba tháng, 10 tháng hay một năm nhưng vẫn chưa có việc làm. Lúc này họ vẫn thất nghiệp và cũng phải giải quyết cho NLĐ nhận BHTN.
Theo quy định hiện nay, việc giới hạn thời gian ba tháng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gây khó khăn cho NLĐ. Tôi nghĩ nếu NLĐ không có việc làm và quay lại nhận BHTN thì cũng nên được giải quyết” - ông Hà nêu.
Băn khoăn về cách tính lương hưu
Bà Phạm Thị Hồng Yến, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức), ý kiến: “Hiện nay, theo quy định, mức lương hưu của NLĐ sẽ được tính theo bình quân cho cả quá trình mà họ tham gia BHXH nhân 75%
(mức tối đa được nhận).
Nếu lương công nhân trước đây đóng thấp thì tính ra lương hưu mà họ được nhận khi về hưu chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.
Nếu tôi là NLĐ, tôi sẽ chọn cách nhận BHXH một lần và dùng số tiền này để kinh doanh nhỏ sinh sống sau này. Vì nhận lương hưu thấp như vậy cũng không thể nào đủ sống”.
“Hiện nay đã có quy định về mức lương tối thiểu vùng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu sinh sống của một người. Trong khi đó, lương hưu của NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu thì làm sao họ có thể yên tâm làm việc và chờ đợi để nhận lương hưu?” - bà Yến nói.
Bà Yến mong mỏi: “Hy vọng với Luật BHXH sửa đổi lần này có thể xem xét lại cách tính tiền lương đóng BHXH và mức lương hưu khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, đối với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp do người sử dụng lao động quyết định mức lương thì mức lương hưu tối thiểu mà NLĐ nhận được sẽ là mức lương tối thiểu vùng. Có như vậy, tôi tin rằng NLĐ chẳng ai đi nhận BHXH một lần”.
Vì sao VssID cập nhật thiếu quá trình đóng BHXH?
Tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp cho biết trong quá trình cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, nhiều NLĐ phát hiện quá trình đóng BHXH của mình còn thiếu so với thực tế.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, giải thích: Hiện nay, cơ quan BHXH đã rà soát, thống kê tất cả dữ liệu về quá trình tham gia của NLĐ. Tuy nhiên, dữ liệu của người tham gia BHXH hiện nay quá lớn, tại TP.HCM hiện nay có 2,5 triệu NLĐ tham gia BHXH.
Trong đó, nhiều NLĐ đóng BHXH ở nhiều doanh nghiệp khác nhau dẫn đến trên ứng dụng VssID chưa cập nhật đủ. Về giải pháp khắc phục, NLĐ có thể thông báo đến cơ quan BHXH, cơ quan này sẽ rà soát và cập nhật lại.