Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi đối với thẻ tín dụng, nào là hoàn tiền không giới hạn từ 20%, 30% thậm chí có ngân hàng còn hoàn tiền nhân đôi lên đến 50%, hoặc có cơ hội săn vé đi du lịch châu Âu, châu Á... Thế nhưng bên cạnh những tiện ích của trên, vẫn còn có khách hàng phải “dở khóc dở cười” với thẻ tín dụng.
Lãnh hậu quả vì dùng thẻ tín dụng sai cách
Mới đây, trên trang thông tin của một trường ĐH ở TP.HCM, xuất hiện thông tin một số sinh viên của trường rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi được nhân viên ngân hàng T. giới thiệu làm thẻ tín dụng nhưng không tư vấn cụ thể về biểu phí.
Theo thông tin trên trang thông tin này, nhân viên ngân hàng đến trực tiếp trường tư vấn cho các sinh viên làm thẻ tín dụng chỉ với yêu cầu đơn giản là cung cấp thông tin họ tên, số điện thoại và CMND, không cần thông tin về khả năng tài chính. Đến lúc sử dụng thẻ, mới tá hỏa vì thấy phí thường niên (159.000 mỗi năm), phí rút tiền mặt tại cây ATM (4,4% trên giá trị mỗi giao dịch), phí hủy thẻ trong năm đầu tiên (220.000 đồng), chưa kể đến các khoản lãi phạt nếu trả nợ thẻ chậm.
Được biết, loại thẻ tín dụng mà ngân hàng này phát hành cho sinh viên là loại thẻ Visa F. với hạn mức thẻ 3-5 triệu đồng/tháng.
Tương tự, anh Nguyễn Đăng Khoa ở Tân Bình, cũng choáng váng khi phát hiện ra cách tính lãi của thẻ tín dụng một ngân hàng nước ngoài. Theo anh Khoa cho biết, anh đã ra cây ATM để nộp 100 triệu vào thẻ tín dụng của ngân hàng này vào ngày 7-5 (kỳ hạn trả trước đến 16-5).
Anh Khoa dự định hôm sau nộp tiếp hơn 400.000 đồng còn lại (do hạn mức mỗi ngày nộp qua ATM chỉ tối đa là 100 triệu) nhưng do bận công việc và cũng chủ quan nên anh chưa nộp. Anh Khoa cũng nghĩ với số dư nợ hơn 400.000 đồng, nếu có bị tính lãi thì chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nên để luôn đến kỳ sao kê tháng tiếp theo. “Thế nhưng đến ngày 21-5, tôi nhận sao kê thì tá hỏa vì lãi đến gần 3 triệu đồng”, anh Khoa cho biết.
Giải thích về vấn đề này, đại diện phía ngân hàng này cho biết: Để được hưởng chính sách miễn lãi trong vòng 55 ngày thì khách hàng phải thực hiện việc thanh toán đúng kỳ hạn. Ngược lại, khi việc thanh toán không đúng hẹn thì cũng không còn được hưởng những ưu đãi từ phía ngân hàng nữa.
Sử dụng thẻ sao cho an toàn, tiện lợi?
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết người đang dùng hoặc có ý định mở thẻ tín dụng cần chú ý các điểm quan trọng.
- Nếu phát sinh khoản chi tiêu với số tiền lớn, khách hàng chưa có khả năng thanh toán đúng hạn hoặc thanh toán không hết sẽ chịu lãi cao.
- Cần lưu ý các điều khoản trong hợp đồng khi mở thẻ để tránh hàng loạt rủi ro có nguy cơ phát sinh.
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ cho biết thêm: Ngoài kỹ năng dùng thẻ như thế nào cho an toàn, bảo mật thì người dùng cũng cần quan tâm đến các loại phí. Nhất là các loại phí phạt, phí rút tiền mặt, lãi suất khi rút tiền mặt, lãi suất khi trả chậm là bao nhiêu... Nếu thực hiện đúng những quy định về lãi phạt, phí phạt, kỹ năng bảo mật an toàn thì dùng thẻ tín dụng sẽ đem lại cho người tiêu dùng rất nhiều lợi ích.
Đưa thẻ cho nhân viên thu ngân phải quan sát kỹ Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, khi dùng thẻ tín dụng để chi tiêu, nhiều người lại thản nhiên đưa thẻ cho nhân viên thu ngân mà không quan sát, trong khi đó chỉ cần một chút lơ đễnh là kẻ gian hoàn toàn có thể chụp lại thông tin mặt trước thẻ và mã CVV một cách dễ dàng. Thậm chí, một số người còn chụp ảnh thẻ tín dụng chia sẻ trên mạng xã hội mà không làm mờ các chữ số in trên đó. Bất cứ ai có đã biết được thông tin này là họ có thể giao dịch thanh toán online tại các website bán hàng mà không cần biết có phải chủ thẻ hay không. |