Làm sao hạn chế việc ban hành thông tư, công văn tùy ý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính trung bình mỗi luật có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 25,8 thông tư, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Đây là những con số gợi nhiều suy nghĩ tại Hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021” diễn ra hôm qua.

Những vướng mắc mà doanh nghiệp (DN), người dân gặp phải do hệ thống thông tư, công văn là rất nhiều và mang tính thường trực.

Những con số được công bố có thể mới nhưng bản chất vấn đề không hề mới nếu nhìn vào luật pháp của chúng ta. 

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: cải cách thể chế có hiệu quả hay không phụ thuộc một phần vào chất lượng thông tư, công văn". Ảnh: CHÂN LUẬN

Mỗi năm trung bình Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 150 nghị định và khoảng 500-600 thông tư, chưa kể công văn điều hành của Văn phòng Chính phủ và bộ, ban ngành. Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn nói có ba nhánh hành pháp, tư pháp, lập pháp nhưng thực ra nhánh hành pháp đang ban hành quá nhiều quy định. Nói một cách khác, khâu lập pháp đang nằm ở hành pháp nhiều hơn là nằm ở lập pháp. Đây là điều đáng tiếc.

Luật pháp của chúng ta có một lỗ hổng rất lớn là thiếu tính tiên liệu, từ đó kéo theo rủi ro, nguy cơ chịu thiệt hại của người kinh doanh. Mặt khác, vai trò của tòa hành chính chưa thỏa đáng. Như vậy, người dân, DN chưa có nhiều công cụ bảo vệ quyền lợi. Chỉ khi lợi ích của người dân, DN được bảo vệ đầy đủ thì luật pháp mới được xem là hoàn thiện.

Để giải quyết vấn đề trên, việc ban hành các quy định pháp luật để mở rộng đối tượng bị khởi kiện và người được khởi kiện là rất cần thiết. Điều này sẽ hạn chế việc ban hành thông tư, công văn tùy ý phục vụ cho yêu cầu quản lý. Và đó cũng là một cách để giải quyết tận gốc những hệ lụy do công văn, thông tư gây ra.

Nhìn sâu xa hơn, Quốc hội cần thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề và làm luật. Hiện nay, xã hội có rất nhiều vấn đề, chúng ta nên ban hành luật xử lý vấn đề chứ không phải những đạo luật dài dòng như đang làm. Quy trình ban hành luật pháp cũng phải thay đổi. Có như vậy, vai trò của lập pháp mới được tăng lên.

Mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh của DN và cơ quan quản lý nhà nước phức tạp nhưng cũng luôn là động lực để cải cách thể chế. Cần thảo luận, phản ánh đến tận cùng những tác động của luật pháp vào người dân và DN. Nhờ thế, cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số mới thực sự mang lại hiệu quả cho cải cách thể chế, tạo động lực phát triển.

Nếu không làm được như vậy, luật pháp của chúng ta sẽ cứ mãi đi sau dòng chảy sự kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm