Năm 2012, khi con số hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã gây "sốt", PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đã nhấn mạnh, có khoảng 120 bảo tàng do Nhà nước quản lý trên toàn quốc đang nằm phơi bám bụi vì “đơn điệu, tẻ nhạt, thiếu sáng tạo và không hấp dẫn được người xem”. Ông cũng cho biết, chỉ có khoảng 5 - 6 bảo tàng mang tầm cỡ Quốc gia có chút ấn tượng và đáng quan tâm như Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học...
Đầu năm 2013, khi dư luận chưa hết sôi nổi bàn tán về đề án xây dựng bảo tàng hơn 11.000 tỷ thì lại tiếp tục bị chấn động trước đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012 - 2020" đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tổng số vốn đầu tư dự kiến là... 10.800 tỉ đồng.
Dĩ nhiên, mọi người sẽ không khỏi xót xa khi đối chiếu những dự án khủng với những câu chuyện buồn về Bảo tàng như: Bảo tàng Hà Nội có phần “xác” được đầu tư lên tới trên 2.000 tỉ đồng nhưng phần “hồn” không có gì để trưng bày; hay như rạp Đại Nam thuộc quản lý của Nhà hát Chèo Hà Nội được rót 96 tỉ đồng nhưng xây xong chủ yếu cho thuê tổ chức đám cưới; (!) rồi trường hợp, một phần diện tích nhà hát Chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ, mở quán ăn. Đau xót hơn khi Bảo tàng Hà Nội được xây dựng để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, trị giá 2.300 tỷ đồng, xong... sau chưa đầy 1 năm sử dụng, UBND TP Hà Nội đã phải kiểm điểm các đơn vị về sự cố thấm dột tại công trình này.
May mà vào năm 2012, Bảo tàng Dân tộc học VN bất ngờ ghi dấu ấn khi được website du lịch nổi tiếng thế giới Tripadvisor gắn cho 4,5 sao. Đến cuối tháng 6/2013, website Tripadvisor tiếp tục xếp hạng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào nhóm 25 bảo tàng ấn tượng nhất châu Á do du khách bình chọn đã mang đến chút ít thi vị cho cả ngành bảo tồn – bảo tàng cả nước. Thế nhưng, sự hăm hở của người dân đối với những bảo tàng công không vì thế hấp dẫn hơn. Ngược lại, những thông tin về nghệ sĩ, giới tri thức mở bảo tàng tư nhân lại được cổ vũ nhiệt tình.
Có thể kể đến hàng loạt bảo tàng tư nhân như Việt Phủ Thành Chương, Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa, Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn (Phú Quốc), Bảo tàng kỷ vật chiến tranh (Nam Định), Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng tư nhân Võ Hằng Gia (Ninh Bình), Bảo tàng tư nhân Trần Hậu Tuấn và Bùi Xuân Phái…
Ước mơ của vị tướng có được thực hiện bằng sự quyết tâm của gia đình?
Trở lại vấn đề của gia đình Thượng tướng Phùng Thế Tài. Khi còn sống, Thượng tướng Phùng Thế Tài từng ước mơ sẽ xây dựng một nhà lưu niệm ở Đà Lạt để lưu giữ những kỷ vật, kỷ niệm của Bác Hồ và những tướng lĩnh, những người đồng chí đã cùng Thượng tướng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng ước mơ đó bị thời gian phai nhạt dần vì tuổi cao sức yếu và khó khăn đi lại để thực hiện. Đến ngày ông mất đi (21/3/2014), gia đình, dòng tộc và đặc biệt là người vợ của ông đã cùng quyết tâm thực hiện ước mơ này.
Là một trong những vị tướng được mệnh danh là Lão thành cách mạng, cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài ngoài những chiến công lớn được ghi vào lịch sử, xung quanh ông còn có rất nhiều giai thoại gắn liền với khoảng thời gian được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Trong suốt thời gian đó, ông đã rất nhiều lần bảo vệ và đưa Bác đi về an toàn trên biên giới Việt Trung, thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của quân Tưởng Giới Thạch. Bên cạnh đó, Thượng tướng cũng là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, đã góp công trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, nhất là mặt trận Hà Nội, Điện Biên Phủ... Năm 1950 và mùa hè năm 1953, trong vai trò là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, ông đã vạch ra kế hoạch và chỉ huy 2 trận đánh sân bay Bạch Mai và sân bay Gia Lâm. Bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm lẫn sự quyết tâm cao độ của người chỉ huy,trong trận đánh này, quân ta đã tiêu diệt tổng cộng 43 máy bay địch và nhiều kho xăng bị đốt cháy, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước trên tất cả các chiến trường phối hợp và đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, gia đình cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ xem xét hỗ trợ cho trường hợp của Thượng tướng bởi trong Kết luận 88-KL/TW của Bộ Chính trị của Bộ Chính Trị do Đại tướng Lê Đức Anh ký vào ngày 18/2/2014 Về việc Tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; Xây dựng Khu lưu niệm, Nhà lưu niệm; Xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu có ghi rõ: “Trường hợp không có di tích gốc hoặc di tích gốc không đủ điều kiện xây dựng thì chính quyền địa phương xem xét cấp đất xây dựng mới... Nhà lưu niệm đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, được xây dựng trên đất của tổ tiên để lại, có di tích gốc, quy mô, diện tích phù hợp, đảm bảo tương quan chung giữa các nhà lưu niệm khác. Nếu là đất cấp thì diện tích không quá 500m2 ở nông thôn và không quá 300 m2 ở đô thị".
Theo Phùng Hiệu (Nhà báo và Công luận)