Sáng 6-6, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội xuất bản Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT&TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi họp báo nhằm thông tin về "Tuần lễ Sách của người làm báo".
Chương trình được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Theo BTC, chương trình diễn ra từ ngày 17 đến 22-6.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại họp báo. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Phát biểu tại họp báo, ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Khi tham dự triển lãm sách của các doanh nhân viết - do Công ty Đường sách TP.HCM và tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, thực sự tôi rất ấn tượng và bỗng nảy ra ý tưởng phải tổ chức được Tuần lễ Sách của người làm báo.
Từ khi có ý tưởng cho đến nay mới chỉ hơn 1 tháng nên có quá nhiều việc phải làm. Như vậy, lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta sẽ có một Tuần lễ Sách thật sự ấn tượng dành cho các nhà báo".
Theo ông Trần Trọng Dũng, qua lần giới thiệu sách này sẽ thấy được những đóng góp của các nhà báo cho văn hóa đọc.
"Bởi vì bản thân những nhà báo cũng đã đến với bạn đọc thông qua các trang báo, với những cuốn sách thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng cần phải tôn vinh, khuyến khích các nhà báo, ngoài việc viết báo, có thể tập hợp chúng thành những cuốn sách" - ông Dũng cho hay.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ |
Nói về ý nghĩa của Tuần lễ Sách của người làm báo, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh khi các bài báo hay được nhà báo tuyển chọn để in thành sách tất nhiên bạn đọc sẽ rất thú vị.
"Thông qua những cuốn sách, độc giả nhận ra người làm báo khi tham gia vào lĩnh vực sách, sẽ tạo ra thêm những tác phẩm để lại cho đời, để lại trong các thư viện và những tủ sách gia đình, thì càng đáng quý" – ông Lê Hoàng bày tỏ.
Đây là dịp hiếm có để độc giả giao lưu với các nhà báo nổi tiếng trên lĩnh vực báo chí, tìm hiểu quá trình sáng tác, những góc nhìn, trăn trở của người làm báo.
"Việc viết sách với việc làm báo của tôi là hai câu chuyện độc lập. Tôi không viết sách với tư cách là một người làm báo, những như không làm báo với tư cách là một người viết sách.
Tôi ngạc nhiên khi biết về hoạt động này, nó thú vị ở chỗ là sẽ cho độc giả thấy được rằng ngay cả ở trong giới làm báo thì cách thức tiến vào thị trường sách của họ đã khác nhau, mối quan tâm về đề tài cũng như định nghĩa của họ trong câu chuyện trở thành một nhà văn. Trong sự đa dạng đó độc giả sẽ thấy được sự phong phú của báo chí cũng như sự phong phú của các đề tài làm sách ở Việt Nam hiện nay" - nhà báo Trần Vương Thuấn tâm sự.
Sách của các nhà báo tham dự "Tuần lễ sách của người làm báo" |
Khác với trên mặt báo, nơi thông tin thường phải cập nhật rất nhanh theo dòng thời sự, việc viết sách đem lại cơ hội cho các nhà báo được chậm lại.
Qua những tập sách đó, bạn đọc có thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức, tư liệu một cách có hệ thống, đồng thời thấy được những tâm tư, quan sát, đúc kết mà nhà báo chưa có dịp thể hiện trên trang báo.
Theo dự kiến, có khoảng 128 tựa sách dự kiến sẽ được trưng bày tại Đường sách TP.HCM và nhiều chương trình giao lưu giữa các nhà báo và độc giả.
Ban tổ chức cho biết sẽ lùi thời hạn nhận sách đến hết ngày 14-6 nhằm tiếp nhận thêm tác phẩm của người làm báo trong cả nước. Các tác giả có thể gửi sách về: Hội Nhà báo TP. HCM (14 Alexandre de Rhodes, P.Bến Nghé, Quận 1, TPHCM). Không giới hạn số lượng sách và năm xuất bản.
Các tác phẩm sau khi trưng bày sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Tác giả có nhu cầu nhận lại sách sau triển lãm có thể thông báo trước với ban tổ chức.