Lần đầu tiên cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa được xét hỏi

9 giờ 45 sáng 20-11, sau khi kết thúc xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh, HĐXX chuyển sang bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50.

Theo lời khai của ông Hóa, năm 2010 ông được gặp Nguyễn Văn Dương. Đó là trường hợp đặc biệt khi đi lễ hội đền Trần, xe của bạn ông Hóa bị công an giữ. Có người nói Nguyễn Văn Dương rất thân quen Công an tỉnh Nam Định. Sau đó thực sự như vậy, nhờ Dương mà bạn bị cáo lấy được xe.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.

“Đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, đến khi là tổng cục trưởng tôi mới biết. Anh Vĩnh là người quyết đoán, giàu tự trọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tôi rất kính trọng anh ấy” - bị cáo Hóa nói.

Cũng theo bị cáo này, ông được bổ nhiệm làm cục trưởng C50 từ năm 2009. Ông Hóa cho hay C50 có chín nhiệm vụ, cục trưởng phải chịu toàn bộ trách nhiệm của hoạt động C50.

Sau khi tôi được phân công về cục này, quân số chỉ có 50 người. Thời điểm đó chỉ có năm điều trong BLHS nhưng chưa được giải thích.

Ông Hóa khai được cố Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ gọi đến hỏi về việc Cục C50 được thành lập bình phong, sau đó giới thiệu Nguyễn Văn Dương.

“Một thời gian sau, tôi gặp anh Vĩnh, anh Dương. Anh Vĩnh giới thiệu đây là anh Dương, chắc các cậu biết rồi. Anh Dương rất yêu công nghệ….” - bị cáo Hóa khai.

Cũng theo bị cáo này, lực lượng cảnh sát lúc đó không có công ty bình phong. Ông Hóa có giao cấp dưới đi tìm hiểu tất cả lực lượng đã thành lập công ty bình phong. Kết quả là Bộ chưa có quy định nào về việc xây dựng lực lượng này.

“Anh em cũng báo cáo với tôi tất cả đều bí mật. Anh em nói có ba loại hình: Bỏ tiền thành lập, góp tiền liên doanh, dùng sản phẩm trí tuệ của mình. Ban đầu tôi quyết định đóng góp bằng sản phẩm trí tuệ, anh em đi theo tôi về đây chủ yếu là cán bộ điều tra về tham nhũng” - bị cáo Hóa nói.

. Ai là người ký Tờ trình 1568 đề xuất thành lập công ty bình phong? - HĐXX hỏi.

+ Tôi ký tờ trình gửi anh Vĩnh xin thành lập công ty bình phong.

Ông Hóa cũng xác nhận Văn bản 1185 gửi ông Nguyễn Tiến Lực do ông ký.

Ông Hóa cho rằng đây là việc xin chủ trương để “thăm dò”.

. Có hai văn bản, một đề nghị C50 góp 20% cổ phần và cử cán bộ tham gia; một văn bản chỉ là hình thức, tất cả đều do bị cáo ký, phát hành cùng một ngày?

+ Chúng tôi nghĩ rằng có một đội ngũ cán bộ để đóng góp về trí tuệ nhưng về bàn lại chúng tôi thấy không có đội ngũ để đóng góp “sản phẩm trí tuệ” nữa mà chỉ đóng góp tiền.

Ông Hóa khai: Ông bàn với phòng tham mưu, thấy không thể góp vốn ngay nên quyết định ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Cấp dưới nói với tôi đây giống như việc đi “dạm ngõ”, không phải đã cưới hỏi, rồi đi khoe khắp nơi đây là cô dâu của tôi. Ký bản ghi nhớ thì có thể thực hiện hoặc không thực hiện, nếu không có điều kiện thực hiện thì chỉ “ghi nhớ mãi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm