Lắng nghe!

(PLO)- Nếu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả của thể chế thì thái độ lắng nghe là cần có ở bất cứ thời gian, không gian nào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một quá trình đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục. Quy trình qua nhiều vòng, nhiều lớp, từ dự thảo đầu tiên đến bản cuối cùng, khi cấp có thẩm quyền biểu quyết thông qua rồi phát hành.

Những gì đang diễn ra ở Quốc hội (QH) những ngày qua, khi bàn, thảo luận, lấy ý kiến, biểu quyết dự án luật là vòng, lớp cuối cùng của quá trình ấy.

Ở vòng cuối cùng này, khi nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH thì ta thường thấy cụm từ “xin giữ nguyên như dự thảo” được sử dụng rất nhiều.

“Giữ nguyên như dự thảo” không hẳn do ý kiến của đại biểu không hợp lý, mà có thể vì ban soạn thảo phải lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, rồi dung hòa các xu hướng, lợi ích để đi đến giải pháp pháp lý tối ưu nhất nếu tính trên tổng thể lợi ích của các đối tượng chịu sự tác động của dự luật.

Quá trình này không phải đến những vòng lập pháp cuối cùng ở QH mới diễn ra. Thực tế ấy cũng đã diễn ra liên tục ngay từ những bước đầu tiên thực hiện quy trình lập pháp.

Cọ xát, cân lên đặt xuống nhiều như thế thì hẳn những dự thảo cuối cùng trình QH đã rất hoàn thiện, có cơ sở để cơ bản là “xin giữ nguyên như dự thảo”. Việc đưa hay không đưa doanh nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mà QH vừa bấm nút thông qua là ví dụ.

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập đã vận hành ở nhiều không gian, rất lâu trước khi ra kỳ họp QH lần này.

Đó là những tranh luận không kém phần gay gắt tại hội nghị phản biện do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hồi tháng 4. Là những ý kiến bằng văn bản từ các hiệp hội, doanh nghiệp được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH. Và trong kỳ họp, là những ý kiến thẳng thắn, vừa trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng vừa bằng văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ QH.

Những tranh luận, những ý kiến ấy đã dẫn tới những cuộc họp xuyên giờ nghỉ trưa của các thành viên ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cấp có trách nhiệm giải trình, tiếp thu.

Những tiếng nói trách nhiệm ấy đã thúc đẩy dân chủ lên tiếng: Quy trình lấy ý kiến bằng phiếu về vấn đề cụ thể được khởi động. Kết quả phản hồi được tổng hợp để đi đến giải pháp như dự thảo cuối cùng đã được bấm nút thông qua.

Lắng nghe, tiếp thu, giải trình, điều chỉnh hay “giữ nguyên như dự thảo” hẳn là dễ phát huy hiệu quả trong các không gian, môi trường đề cao dân chủ, tập thể của quy trình lập pháp.

Nhưng nếu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả của thể chế thì thái độ lắng nghe ấy là cần có ở bất cứ thời gian, không gian nào, miễn là khi quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị vận hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm