Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ tháng 7-2012, với sở hữu gần 85% cổ phần tại NH Đại Tín, nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam thao túng toàn bộ hoạt động của NH Đại Tín nhằm mục đích phục vụ cho bà Phấn và các công ty sân sau, các dự án để rút ruột hàng ngàn tỉ đồng tại NH.
Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành, Hội đồng tín dụng (HĐTD) NH - nhóm cổ đông lớn này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho NH Đại Tín.
Rút ruột Ngân hàng Đại Tín khoảng 12.000 tỉ đồng
HĐXX sơ thẩm kết luận ông Toàn và các thành viên khác trong HĐTD NH Đại Tín đã tham gia duyệt, cấp tín dụng hai hồ sơ vay của Công ty Đại Hoàng Phương, Công ty Thịnh Quốc là chưa phù hợp.
Hai khoản vay trên đã gây thiệt hại cho NH Đại Tín gần 471 tỉ đồng. Các bị cáo là nhân viên tín dụng và HĐTD chi nhánh cũng đã bị truy tố về việc thẩm định và xét duyệt cho vay đối với hai khoản vay này.
Tuy nhiên, việc rút ruột NH Đại Tín không chỉ dừng lại ở đó.
Theo lời khai của ông Nam, NH Đại Tín muốn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3 để mở chi nhánh NH. HĐQT khi đó gồm bảy thành viên là ông Nam, ông Toàn cùng năm thành viên HĐQT họp và thống nhất mua trụ sở trên với giá 1.260 tỉ đồng.
Sau đó, HĐQT ra quyết định giao cho ông Nam thực hiện việc chuyển nhượng căn nhà này. Theo đó, ngày 13-2-2012, với giá 1.260 tỉ đồng và ngân hàng đã thanh toán hết tiền cho bà Phấn và bà Phấn cũng sang tên cho ngân hàng.
Được biết tại căn nhà trên vào tháng 1-2008, bà Phấn đã mua lại của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Đến tháng 10-2008, bà Phấn bán lại cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC.
Đến năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp tài sản trên cho NH Đại Tín với giá là 1.260 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2012 toàn bộ thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng đóng băng, giá trị của địa ốc giảm mạnh. Tuy nhiên, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lại được mua với giá cao hơn 1.000 tỉ đồng so với giá trị thật.
Chuỗi hành vi mua bán lòng vòng của bà Phấn không thể thực hiện trót lọt nếu không có sự tiếp tay của các lãnh đạo cao cấp NH Đại Tín. Và nếu không có sự tiếp tay ấy, nhân viên bảo vệ, nhân viên kế toán hay hàng loạt những cá nhân liên quan tới bà Phấn không thể vay số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Như vậy, chỉ với thương vụ mua lại căn nhà trên và cấp tín dụng hai hồ sơ vay của Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc… nhóm cổ đông này đã làm thất thoát của NH lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.
Mua bán bất động sản vòng vo giữa bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín
Theo hồ sơ thu thập được của cơ quan điều tra, ngoài bất động sản nói trên, NH Đại Tín còn mua nhiều bất động sản liên quan đến bà Phấn như căn nhà 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 với giá khoảng hơn 1.000 tỉ đồng (đã thanh toán tiền nhưng chưa sang tên), nhà 426 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3…
Cũng theo lời khai của ông Nam, việc quyết định mua bất động sản để làm chi nhánh, hội sở, phòng giao dịch là do bà Phấn quyết định vì bà Phấn là đại diện cho 84,5% cổ phần NH Đại Tín.
Cụ thể, các khoản nợ liên quan đến bà Phấn tại NH Đại Tín là khoảng 4.500 tỉ đồng, trong đó có 3.500 tỉ đồng gồm 29 hồ sơ vay mà khách hàng cá nhân vay giùm bà Phấn và 1.000 tỉ đồng là khoản NH đầu tư vào các công ty liên quan đến bà Phấn.
Như vậy, qua các sai phạm toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động (tín dụng, đầu tư, mua sắm tài sản…), nhóm Phấn, Toàn, Sơn đã có dấu hiệu rút ra hơn 12.000 tỉ đồng của NH Đại Tín để sử dụng riêng.