Tại đường Đồng Khởi, lực lượng chức năng xử phạt một số tài xế đậu ô tô trên vỉa hè trước khách sạn Grand. Trên đường Ngô Đức Kế, nhiều cửa hàng để các vật dụng như bàn ghế, xe máy… đã bị nhắc nhở và xử lý. Trước một ghế ngồi đóng quanh một gốc cây lấn chiếm vỉa hè trên đường này, ông Hải quay qua hỏi gay gắt một lãnh đạo phường: “Vỉa hè đã nhỏ mà sao cứ để chiếm hết lối đi dành cho người đi bộ. Ai bảo kê cho mấy ông làm chuyện này?”.
Ông Hải còn phê bình phó chủ tịch UBND Bến Nghé phụ trách lĩnh vực đô thị vì không quán xuyến địa bàn, không kiên quyết xử lý, chấn chỉnh hành vi vi phạm để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. “Vỉa hè dành cho người đi bộ chứ không phải nơi các cửa hàng lấn chiếm trái phép để kinh doanh nên phải xử lý quyết liệt các trường hợp lấn chiếm” - ông Hải nhấn mạnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hải cho biết ngày 16-1 là ngày bắt đầu của đợt cao điểm “đòi” lại vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để trả lại cho giao thông. Đợt cao điểm này kéo dài khoảng hai tháng, bắt đầu từ ngày 16-1. “Quận đã giao cho chủ tịch UBND 10 phường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý để không còn tình trạng mua bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự đô thị, mỹ quan trên địa bàn quận 1. Trong hai tháng cao điểm này, Công an quận 1 phải chỉ đạo cảnh sát trật tự và công an 10 phường hỗ trợ lực lượng trật tự đô thị tham gia chấn chỉnh” - ông Hải nói.