Tại buổi gặp, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho rằng có một thực tế hiện nay PV gặp Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP dễ hơn là gặp giám đốc các sở/ban/ngành, chủ tịch các quận/huyện. “Điều này cho thấy việc tiếp cận thông tin rất khó. Sắp tới, nếu Ban Tuyên giáo có công văn nói rõ việc này cho cơ sở thì sẽ tốt hơn” - ông Phước nói.
Ông Phước cũng cho rằng hiện nay có chỗ vướng về người phát ngôn. “Anh là người quản lý sự việc đó, quản lý con người đó, quản lý sở/ban/ngành đó thì tất cả những sự việc trong vòng quản lý của anh, anh phải trả lời, chứ anh không thể chỉ qua người phát ngôn được” - ông Phước nói và cho rằng nên nghiên cứu lại cơ chế người phát ngôn để đúng với Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan.
Liên quan đến việc có quá nhiều văn bản mật, ông Phước đề nghị xem lại, cái nào đáng thì giữ, cái nào không thì công khai. “Càng công khai, minh bạch thì càng dễ dàng trong công tác thông tin” - ông nói. Ngoài ra, ông Phước cũng đề nghị trước các sự việc lớn của TP, kể cả những việc tiêu cực thì chính quyền cần thông tin cho lãnh đạo các báo để nắm rõ quan điểm; thông tin những mặt chưa được để bàn các giải pháp khắc phục...
Tổng biên tập các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì nêu thực trạng “trên nóng dưới lạnh” trong cải cách hành chính, báo chí tiếp cận thông tin khó khăn...
Lãnh đạo các báo còn nêu nhiều vụ việc cụ thể khác về tình trạng “không biết tìm câu trả lời ở sở/ngành nào”.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của TP. Ông khẳng định sự phản hồi của người dân qua các kênh, trong đó có cơ quan báo chí là rất quan trọng. “Chính quyền và Đảng vững mạnh thì phải biết lo lắng, thậm chí phải biết sợ khi người dân không hài lòng. Tôi rất mong báo chí giúp phản ánh về sự không hài lòng, mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính. Chúng tôi cần những thông tin như vậy” - ông Nhân gửi gắm.
Theo ông Nhân, năm nay là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy có chương trình kiểm tra, thanh tra, giám sát cấp TP, định kỳ ba tháng phải cập nhật dữ liệu điện tử để công khai thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Trừ những nội dung mật thì các nội dung còn lại về kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra phải được công khai. Việc công khai sẽ được thực hiện tại Trung tâm Báo chí TP” - ông Nhân nói.
Ngoài cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết 54, ông Nhân mong muốn báo chí tuyên truyền về giải thưởng sáng tạo của TP, mong báo chí cổ vũ sáng tạo, thực hiện truyền thông đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xây dựng, phát triển TP.HCM bền vững.