Người mê bom là ông Nguyễn Tú Lâm (65 tuổi, ngụ ấp Gò Mối, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Vì có sở thích không giống ai nên người dân địa phương gọi ông với những cái tên đặc biệt, như Lâm "bom", Lâm "điên" hoặc "lão khùng".
Bà Hoàng Thị Bảnh (57 tuổi, sống gần nhà ông Lâm) cho biết: "Lâu lâu tôi lại thấy ông chở bom về chất đống trong vườn. Có quả chỉ cần một người bê, nhưng có quả phải dùng ròng rọc di chuyển. Nhìn vậy tôi thấy rờn rợn, nổi da gà".
Nguyễn Tú Lâm sinh ra trong gia đình nghèo tại xã Thanh Tuyền. Năm 1982, ông lập nghiệp bằng nghề thợ rèn và bắt đầu thu mua sắt vụn, vỏ bom đạn từ đó.
Ông Nguyễn Tú Lâm bên quả đạn cối sưu tầm được. Ảnh:Ngọc An |
Ông kể: "Những năm tháng chiến tranh, Thanh Tuyền nằm trong vùng tam giác sắt (An Tây - Thanh Tuyền - An Điền), liên tục bị giặc oanh tạc. Sau khi giải phóng, vùng này còn sót lại hàng ngàn quả bom chưa nổ, nên người dân đi tìm, vô hiệu hóa chúng rồi mang bán cho vựa phế liệu. Tôi là một trong những người đầu tiên thu mua bom đạn ở đây".
Đưa bom về nhà, những quả nhỏ được ông phân mảnh, rèn công cụ, vật dụng để bán cho người dân. Các quả to, ông bán cho các doanh nghiệp luyện kim trong vùng.Thời gian đầu, người thợ rèn gom bom đạn để phục vụ lợi ích kinh tế. Nhưng đến năm 1997, chuyến thăm Khu tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi, TP HCM) đã làm ông thay đổi về mục đích sử dụng bom.
"Tôi thấy người ta trưng bày các mảnh bom, quả đạn để du khách hiểu về sự tàn khốc của chiến tranh, tinh thần kiên cường của người Việt. Những người không vào sinh ra tử chiến trận thì nhìn vật trưng bày cũng có thể hiểu được phần nào thời cuộc. Từ đó, tôi quyết định thực hiện bộ sưu tập bom đạn", ông lão 65 tuổi nói.
Suốt 30 năm qua ông "Lâm điên" đi khắp nơi để tìm mua bom đạn. Ông kể, những năm 80 của thế kỷ trước, vùng Thanh Tuyền, Củ Chi còn nhiều bom nên việc mua bán dễ dàng. Về sau, vùng này hết "hàng" nên ông phải sang các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Phước, Long An…
Để sở hữu những quả bom này, "lão khùng" 65 tuổi phải bán hơn chục lượng vàng. Ảnh:Ngọc An. |
Bà Nguyễn Thị Mực, vợ ông Lâm cho hay: "Có hôm đang ăn cơm trưa, nghe một người chuyên rà sắt vụn ở Tân Phú (Đồng Nai) báo tìm được bom, ông bỏ đũa, tức tốc chạy xe hàng trăm km sang xem. Tới đêm, ông chở về khối kim loại bằng bắp chân rồi ngồi lau chùi cẩn thận".
Để sở hữu những quả bom lớn nhỏ, ông đã bán hàng chục lượng vàng. Ông kể: "Những năm 2005 - 2007, giá sắt vụn gần 10.000 đồng/kg nên thú sưu tầm của tôi tốn khá nhiều tiền. Những lúc không sẵn tiền mặt, tôi bán số nữ trang vợ chồng dành dụm, tính ra cũng hết hơn chục cây vàng".
"Lão khùng" cho biết thêm, giá mỗi quả bom không chỉ tính bằng kg sắt vụn. Giới tìm kim loại thường dựa vào "ngoại hình" còn nguyên hay bị bể để định giá. "Có quả bằng bắp chân, nặng chỉ 40 kg nhưng trả gần 5 triệu đồng. Quả đẹp, hiếm thì lên đến 40 - 50 triệu. Nhiều quả bom đắt như cổ vật", ông nói.
Hiện bộ sưu tập này lên đến gần 300 quả bom đạn lớn nhỏ, có quả cao quá đầu người, nặng 4 tấn. Vì không biết tên kỹ thuật nên ông gọi chúng là bom B52, heo, lu, cá mập và pháo cối, 105 mm, hỏa châu...
Bộ sưu tập "thần chết" này đã được rút thuốc và kíp nổ nên không gây nguy hiểm cho người xung quanh. "Biết chúng không còn nguy hiểm nhưng có người vẫn sợ. Nhiều lần ôtô nổ lốp trước cổng nhà, người dân tưởng tôi cưa bom nên tập trung kín ngõ để xem. Tôi chỉ mua những quả đạn đã được tháo thuốc, kíp nổ", người sưu tầm bom cho biết.
Một cán bộ xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) xác nhận, việc thu mua vỏ bom đạn của ông Nguyễn Tú Lâm được ngành chức năng cấp phép. Cùng với việc sưu tập, ông Lâm cũng là người cung cấp vỏ bom đạn làm chứng tích lịch sử cho các bảo tàng, nhà truyền thống.
Về bộ sưu tập "độc nhất vô nhị" của mình, ông Lâm chia sẻ: "Có nhiều người tìm đến mua nhưng tôi không bán. Còn những người đi qua chiến tranh, muốn có quả đạn làm kỷ niệm thì tôi tặng. Hàng ngày, tôi mở cửa để người dân gần xa đến chiêm ngưỡng 'thần chết' một thời".
Theo Ngọc An (Zing)