Lão nông kể chuyện vạch trần sai phạm trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đầu tháng 12-2021, lão nông Phạm Tấn Lực đã rời quê Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đến TP Đà Nẵng làm công việc bảo vệ.

Ông Lực là người đã liên tục gửi bằng chứng tố cáo những sai phạm của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) tại gói thầu A3 thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Kết quả là vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại gói thầu này đã bị khởi tố. TAND TP Hà Nội vừa đưa vụ án với 36 bị cáo ra xét xử sơ thẩm, đang nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 6-12.

Năm năm giám sát việc thi công cao tốc

Ông Lực 62 tuổi, dáng người thấp nhỏ, nước da ngăm đen cùng phong cách khác biệt, quần dài, áo thun vận thùng. Chưa kể xong chuyện rời quê lên phố, ông đã nhắc ngay đến đại án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Phạm Tấn Lực luôn giữ kỹ các bài báo phản ánh sai phạm trên cao tốc
Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: THANH NHẬT

Nhớ lại cái duyên với nghề “giám sát”, ông kể từ năm 2008, vợ lâm bệnh. Cứ vài tháng hai vợ chồng ông lại ra Hà Nội chữa bệnh. Mỗi chuyến đi chi phí tầm 6 triệu đồng. Nhiều năm liền đi theo chăm vợ, công việc thầu xây dựng của ông ở quê cũng dần mất.

Năm 2014, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi triển khai thi công, đi ngang huyện Bình Sơn quê ông. Nhờ đó, nhiều người có được việc làm; người lái xe, người làm công nhân. Còn ông, tuổi cao nên chỉ xin một chân bảo vệ cho nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A3 (giai đoạn 2). Thu nhập tạm đủ cho gia đình trang trải cuộc sống, chữa bệnh cho vợ.

Tuy nhiên, công việc chưa được bao lâu thì ông phát hiện nhà thầu thi công ẩu. Ông hỏi công nhân thì họ nói làm theo chỉ đạo. Ông hỏi nhà thầu thì được trả lời làm đúng quy định. Cứ nhiều lần như vậy, ông bị người của nhà thầu theo dõi ngược lại. Không hài lòng, ông quyết gửi đơn tố cáo khắp nơi.

“Tất cả đơn đều không có hồi âm từ cơ quan chức năng. Tôi đến Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gặp giám đốc nhưng ổng cũng né tránh, không gặp, điện thoại mấy số cũng không bắt máy” - ông Lực kể.

Sau đó, ông nghỉ việc nhưng quyết tâm tố cáo sai phạm vẫn nguyên vẹn. Ông xin làm bảo vệ cho một công ty ở gần nơi thi công gói thầu A3 để vừa làm việc vừa theo dõi nhà thầu Giang Tô.

“Tháng lương đầu tiên tôi dành 3,8 triệu đồng mua máy. Đêm làm bảo vệ, ngày lên coi họ thi công rồi chụp ảnh. Tiền lương mấy tháng trời cũng đủ để... rửa ảnh. Thế nhưng ảnh gửi ra ngoài trung ương mà không thấy ai trả lời” - ông nhớ lại.

Đến khi nghỉ việc bảo vệ ở công ty nọ, ông vẫn tiếp tục công việc giám sát. Không có tiền rửa ảnh, ông nhờ con cháu, những người trẻ tuổi chuyển ảnh vào máy tính. Hàng ngàn tấm ảnh minh chứng cho việc nhà thầu thi công sai phạm được lưu giữ, chờ ngày phơi bày được những khuất tất.

Tôi thấy xót tiền của nhân dân quá!

Ban ngày đi làm, tối về tôi hay kể với vợ dự định tố cáo sai phạm của nhà thầu. Vợ tôi nói một mình tôi chỉ như hạt cát trên sa mạc, chống không nổi đâu, thôi thì cứ im lặng mà làm việc.

Tôi nghe vợ, quay lại làm việc mà thấy họ làm không đảm bảo chất lượng. Tôi thấy xót quá, tiền của của nhân dân, để họ làm vậy sao được.

Ông PHẠM TẤN LỰC

 

Bị dọa nạt, bị mua chuộc để bỏ theo dõi

Suốt ngày lên công trình, riết rồi ông thành cái gai trong mắt những người liên quan. Nhiều lần ông bị dọa đánh, một lần bị đánh rách mặt.

“Ban đêm, nhà tôi liên tục bị ném đá. Vợ tôi sợ quá, phải lên chỗ tôi làm đêm để ngủ. Số đá rớt trong nhà, nay bà ấy vẫn giữ làm kỷ niệm. Tôi biết người ném là ai nhưng nói ra không bắt được mà chỉ thêm hận thù” - ông Lực cười.

Ông Lực nhớ cụ thể những lần bị đánh, người lạ có, người quen có. Có lần thanh niên chạy xe ben cho nhà thầu Giang Tô đang ngồi với mấy người khác, thấy ông trên công trình nên gọi ông vào chơi.

“Nó rót ra ly nước rồi đứng dậy chửi thề, hỏi tại sao chụp ảnh rồi đánh khi tôi chưa kịp trả lời. Tôi bị thương phải đến bệnh viện khâu sáu mũi trên trán, băng cầm máu ở môi. Sau này còn có người tên Hưng đến nhà tôi, nói tôi dài tay, nhiều chuyện, rồi tới đánh chứ không hỏi gì hết” - ông Lực thuật lại.

Ông Lực nói rằng những người đánh ông không bị xử lý. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ chỉ đạo điều tra, xác minh người đánh ông nhưng cũng không có kết quả.

Do ông liên tục giám sát thi công, gọi điện thoại cho đơn vị giám sát, lãnh đạo Ban quản lý cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên nhà thầu Giang Tô tìm cách thương lượng.

“Thông dịch viên cho nhà thầu Giang Tô đòi gửi tiền cho tôi để tôi không đi tố cáo. Họ nói đừng giám sát thì mỗi tháng họ cho tôi 5-6 triệu đồng. Tôi chỉ ở nhà, đừng điện thoại, đừng gửi đơn là có tiền” - ông Lực kể.

Ông nói vanh vách, nói mãi về những chi tiết, bằng chứng thu thập được như: đất san lấp, đá cấp phối không đảm bảo tiêu chuẩn, nhựa đường chưa nung đủ 150 độ, mố cầu làm sai, nền đường chưa lu đủ cứng…

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. 36 người có sai phạm đã bị pháp luật xử lý.

“Nếu tôi mà làm giám sát thì cái đường đó bây giờ chắc chưa làm xong. Tôi bắt múc lên làm lại hết. Đất, cát đều không đảm bảo, từ cái dầm, mố cầu làm sai toàn bộ” - ông Lực khảng khái.

Tháng 6-2020, ông Lực được UBND huyện Bình Sơn tặng giấy khen cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, thể hiện vai trò, trách nhiệm của một người dân đối với các dự án đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng công trình.

   

Đề nghị án cao nhất đến 10 năm tù

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng mức chi phí hơn 34.500 tỉ đồng. Dù mới đưa vào sử dụng hai năm, đoạn đường
65 km thuộc giai đoạn 1 dự án này đã có tới 380 điểm hư hỏng.

Kết luận giám định cho thấy nhiều hạng mục công trình tại bảy gói thầu đều không đảm bảo chất lượng. Điển hình như chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư dao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm có hiện tượng bong tróc cốt liệu...

Tại phần luận tội trong phiên tòa xét xử vụ án này, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị phạt Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (hai cựu phó tổng giám đốc VEC) lần lượt 7-8 năm tù và 6-7 năm tù, Hoàng Việt Hưng (cựu giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) 9-10 năm tù, Nguyễn Tiến Thành (cựu giám đốc Ban quản lý dự án, cựu giám đốc gói thầu số 4, số 5) 5-6 năm tù, Đỗ Ngọc Ân (cựu phó giám đốc ban quản lý dự án, cựu giám đốc gói thầu số 4, 5, 6, 7) 5-6 năm tù…

Những bị cáo còn lại, có một số người được đề nghị hưởng án treo. Riêng bị cáo người nước ngoài là Takao Inami (quốc tịch Nhật Bản, tư vấn trưởng, giám đốc văn phòng nhà thầu tư vấn giám sát dự án) được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, trục xuất khỏi Việt Nam.

Đại diện VKS đề nghị buộc các nhà thầu bồi thường cho VEC toàn bộ thiệt hại 811 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm