Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cứ 170 m lại có 1 điểm hỏng

Ngày 26-11, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ở ngày làm việc thứ tư, các luật sư đặt nhiều câu hỏi đối với bị cáo, giám định viên và đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - nguyên đơn dân sự.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP

Cao tốc ngàn tỉ nhưng thi công ẩu

Trả lời trước HĐXX, giám định viên thuộc Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam (Bộ GTVT) tiếp tục khẳng định quá trình thực hiện giám định đảm bảo chính xác, khoa học và đầy đủ căn cứ pháp lý.

Theo VKS, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, chi phí đầu tư rất lớn (hơn 34.500 tỉ đồng được phê duyệt) nhưng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… đều không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, tổ chức thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình.

Kết luận giám định cho thấy chiều dày lớp bê tông nhựa tại nhiều vị trí không đảm bảo, hệ số thấm không đạt, độ rỗng dư dao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cố nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu; cường độ chịu tải của mặt đường không đảm bảo…

Về lý thuyết, tuyến cao tốc được thiết kế có tính toán dự báo giao thông là ≥ 20 năm, trong đó thời hạn tính toán cho mặt đường là ≥ 10 năm. Thế nhưng chỉ sau hai năm đưa vào khai thác, quãng đường dài 65 km đã có tới 380 điểm hỏng, tức trung bình cứ 170 m thì có một điểm hư hại.

Tại tòa, giám định viên hơn một lần nói giật mình, đồng thời đưa ra hình ảnh cho thấy chất lượng của tuyến cao tốc rất kém. “Vật liệu rất rời rạc, vậy thì chịu lực làm sao được!” - giám định viên thốt lên và cho hay nhiều vị trí trên tuyến thể hiện vật liệu bị nứt, vỡ, nguy hiểm hơn là không có lưới chống nứt…

Đáng chú ý, nhiều luật sư và bị cáo tỏ ra hồ nghi với kết luận của cơ quan giám định. Một luật sư đặt câu hỏi rằng cả công trình đồ sộ như vậy nhưng lại chỉ có hai giám định viên thực hiện giám định thì liệu kết quả có đảm bảo? Ngay lập tức chủ tọa ngắt lời, yêu cầu luật sư có thể đặt câu hỏi chứ không được bình luận như vậy.

Sẽ xử lý cựu chủ tịch VEC ở giai đoạn 2

Vụ án này, ngoài 36 bị cáo đang bị xét xử, nhiều bị cáo được xác định có trách nhiệm liên quan nhưng đã được cơ quan điều tra tách vụ án.

Trong đó, cơ quan tố tụng nhận định ông Mai Tuấn Anh (cựu chủ tịch HĐQT, cựu tổng giám đốc VEC) đã không kiểm tra, giám sát, không thực hiện đúng chỉ đạo và báo cáo Bộ GTVT liên quan đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, phương án khắc phục nguồn vật liệu từ các mỏ đá kém chất lượng của dự án. Hành vi của ông Tuấn Anh có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh còn liên quan đến giai đoạn 2 của dự án đang tiến hành giám định chất lượng công trình xây dựng. Do vậy, để đánh giá, xem xét xử lý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách hành vi liên quan đến các sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của ông này để xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Tương tự, ông Trần Văn Tám (cựu tổng giám đốc VEC) cũng được xác định có liên quan đến quá trình thực hiện giai đoạn 2 của dự án (đoạn 75 km sử dụng vốn vay của World Bank) với vai trò là lãnh đạo VEC phụ trách trực tiếp, đồng thời là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án. Hành vi của ông Tám sẽ được xét trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án.

Hồi tháng 7-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Mai Tuấn Anh và ông Trần Văn Tám. Theo cơ quan kiểm tra, Ban Thường vụ Đảng ủy VEC đã vi phạm quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, để nội bộ lãnh đạo tổng công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau kết luận này, ông Mai Tuấn Anh đã bị điều chuyển công tác.

 

Chuyển vụ án cho cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng

Cũng theo cơ quan tố tụng, đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bên thi công (bên B) tại gói thầu số 2 và số 6 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là các gói thầu có liên danh với nhà thầu quân đội để thi công, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự để Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý điều tra theo quy định.

Cạnh đó, vụ án còn liên quan đến một số người nước ngoài tại nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát, đã về nước trước khi khởi tố vụ án. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Bộ Tư pháp các quốc gia này, đề nghị phối hợp xác minh, cung cấp nhân thân, lai lịch để làm căn cứ giải quyết vụ án nhưng đến khi hết thời hạn điều tra vẫn chưa có kết quả trả lời.

Để đảm bảo tiến độ vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của nhóm trên xử lý sau theo quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm