Lão nông miền Tây nuôi ‘thủy quái vùng Amazon’

Từ bến phà Cô Bắc, ngồi thuyền qua sông Hậu khoảng 15 phút chúng tôi đến bè cá của ông Lý Văn Bon (tên thường gọi là Bảy Bon, ngụ Khu du lịch Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - người đang sở hữu loài cá lạ hồng vỹ đặc trưng của vùng Amazon xa xôi.

Từ nuôi cá bè kết hợp du lịch

Ông Bảy Bon gương mặt chất phác đúng kiểu nông dân đang lấy tay hất gáo thức ăn xuống nước. Trong giây lát, hàng ngàn con cá thác lác cườm uốn mình trên mặt nước tranh giành thức ăn. Đứng bên cạnh, nhiều du khách tỏ ra thích thú chen nhau chụp ảnh. Khách du lịch ra về, ông Bảy Bon tiếp chúng tôi trong nhà bè của gia đình. Ông kể ông vốn người gốc Cà Mau, năm 2000 đến Cồn Sơn làm nghề nuôi cá bè trên sông Hậu.

Ban đầu, ông nuôi cá điêu hồng, loài cá được người tiêu dùng ưa chuộng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó cá điêu hồng bất ngờ rớt giá nên ông chuyển sang nuôi các loài cá đặc sản vùng miền Nam bộ. Sau 17 năm làm nghề nuôi cá bè lồng, hiện tại ông có hơn chục bè cá, nuôi nhiều loại cá đặc sản. Trong đó, nhiều nhất là cá thác lác cườm với sản lượng trên 100 tấn, xuất bán cho các nhà hàng khu vực và TP.HCM mang lại lợi nhuận khá cao.

Gần đây Cồn Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nhiều người có nhã ý muốn đến xem bè cá của ông Bảy Bon. Nhận thấy tiềm năng nên ông mạnh dạn tham gia vào phát triển du lịch. Hiện ông Bảy Bon là nông dân duy nhất tại Cồn Sơn phát triển mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch. Hằng ngày bè cá của ông tiếp khoảng trăm khách du lịch đến tham quan, khách đông hơn vào dịp cuối tuần. Giá vé tham quan chỉ 10.000 đồng/người.

Ông Bảy Bon cùng người nhà bắt cá hồng vỹ đem sang lồng cá khác để nuôi. Ảnh: H.DƯƠNG

Cá hồng vỹ được ông Bảy Bon nuôi nhiều năm nay, mỗi con có trọng lượng trên chục ký. Ảnh: H.DƯƠNG

Đến nuôi “thủy quái vùng Amazon”

Ông Bảy Bon tiết lộ ông đang sở hữu một đàn cá đẹp, quý có nguồn gốc từ vùng Amazon và đang lên kế hoạch giới thiệu để khách du lịch đến tham quan chiêm ngưỡng. Đó là cá hồng vỹ, một trong những loài thủy quái vùng Amazon.

“Đàn cá được nuôi đến nay khoảng sáu năm nhưng không thất thoát con nào, mỗi con có trọng lượng trên chục ký. Tôi quý lắm, không cho ai xem hết, chỉ khi nào có khách quý đến thăm thì tôi mới giới thiệu. Tôi dám chắc ở ĐBSCL và kể cả khắp nước, không ai sở hữu được cá hồng vỹ có trọng lượng lớn như tôi” - ông khoe.

Nói rồi ông Bảy Bon đi chuẩn bị đồ nghề bắt cá hồng vỹ cho khách xem. Vì đàn cá được ông nuôi chung với cá dồ đém nên muốn bắt được cá hồng vỹ phải dùng lưới kéo luôn cá dồ đém. Loài cá hồng vỹ sống chủ yếu ở tầng đáy nên ông Bảy Bon phải lặn xuống nước dùng lưới ôm cả bè. Chỉ với ống dây tiếp hơi, ông có thể lặn sâu dưới nước khoảng 3 tiếng đồng hồ mà không hề hấn gì. Cũng với biệt tài lặn này mà ông Bảy Bon được người nơi đây ví von là “thủy quái” Cồn Sơn.

Đuôi và vây cá có màu hồng rất đẹp. Ảnh: H.DƯƠNG

Hai chiếc râu dài của cá hồng vỹ dùng để dò mồi. Ảnh: H.DƯƠNG

Da cá dày, trơn có màu trắng đen xen kẽ nhau. Ảnh: H.DƯƠNG

Không lâu sau, hơn chục con cá hồng vỹ đã nằm trong lưới. Theo quan sát, cá hồng vỹ có đầu to xương xẩu, có nhiều râu trắng, trong đó có hai râu rất dài. Da cá dày, trơn với hai màu trắng đen đan xen nhau rất lạ mắt. Đặc biệt, đuôi và vây cá có màu hồng rất đẹp, có lẽ vì thế mà chúng có tên là hồng vỹ. Nhìn bên ngoài, cá hồng vỹ có hình dáng giống như con cá trê nên người Việt Nam hay gọi là cá trê đuôi đỏ.

Theo Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 2-5-2008 về việc Ban hành doanh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thì cá Hồng Vĩ (tên khoa học Phractocephalus hemioliopterus) là một trong những loài cá nằm trong danh mục loài cá được phép sản xuất và kinh doanh với mục đích chính là làm cảnh.

Ông Bảy Bon cho biết loài cá này có được là do ông mua lại từ những người đánh bắt cá trên sông Mekong. Lúc đầu thấy loài cá này có hình dáng, màu sắc đẹp nên ông mua về nuôi chung với các loại cá khác. Cá mỗi ngày mỗi lớn lại càng đẹp nên ông Bảy Bon rất quý mặc dù lúc bấy giờ ông không biết đó là loài cá gì. Trong một lần ông Bảy Bon bắt con cá này đưa sang bè khác nuôi, khách du lịch nhìn thấy cá đẹp quá, rất thích nên đã lên mạng tìm hiểu và cho ông biết đây là cá hồng vỹ.

Từ đó ông Bảy Bon bắt đầu tìm hiểu và biết được loài cá này không còn nhiều, có nguy cơ tuyệt chủng nên đã đi khắp nơi sưu tầm được hơn 10 con về nuôi bảo tồn. Theo ông thì loài cá này không tốn nhiều công chăm sóc mà chúng rất dễ nuôi, chỉ cho ăn thức ăn công nghiệp.

Ông Bảy Bon cho hay tập tính săn mồi của loài cá này rất đặc biệt. Chúng dùng mắt đi săn và dùng hai râu dài để dò mồi. Khi phát hiện con mồi, chúng sẽ há cái miệng lớn của mình hút và nuốt chửng con mồi trong tích tắc.

Biết được đàn cá hồng vỹ quý của ông Bảy Bon, nhiều người chơi cá cảnh đến ngỏ ý mua lại đàn cá với giá 2 triệu đồng/kg nhưng ông nhất quyết không bán. Ông quan niệm: “Bao nhiêu tiền rồi cũng xài hết, chỉ có vẻ đẹp là tồn tại mãi. Đâu dễ có được đàn cá đẹp và quý như vậy. Mình sở hữu cái đẹp phải cho mọi người cùng thưởng thức chứ!”.

Dài đến 1,8 m và nặng 80 kg khi trưởng thành

Cá hồng vỹ có tên khoa học Phractocephalus hemioliopterus, là một loài cá da trơn, có nguồn gốc Nam Mỹ ở lưu vực sông Amazon. Cá trưởng thành có chiều dài khoảng 1,8 m và trọng lượng có thể lên đến 80 kg. Vì thế cá hồng vỹ được xem là một trong những thủy quái của vùng nước ngọt và là loài cá phổ biến trong các cuộc triển lãm theo chủ đề Amazon. Tuy nhiên, với vẻ ngoài đặc biệt, bắt mắt cá hồng vỹ (loại chưa trưởng thành) được nhiều tay chơi cá cảnh săn lùng.

Không những thế, trên thế giới loài cá này còn được liệt vào danh sách là đối tượng yêu thích của môn thể thao câu cá. Còn ở Việt Nam, cá hồng vỹ được nhập về vào khoảng năm 2002 để nuôi làm cảnh.

--------------------------------

Theo tôi được biết đây là loài cá phân bố ở các hệ sinh thái nước ngọt (nhất là ở các sông lớn) với nhiệt độ, pH, nền đáy, thành phần thức ăn của chúng,... tôi cho rằng loài này có thể phát triển ở các vùng nước ngọt của ĐBSCL.

Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa ghi nhận được loài này xuất hiện ngoài tự nhiên ở vùng ĐBSCL. Do đó hiện cũng chưa có nghiên cứu nào đánh giá khả năng tác động của chúng đối với các loài bản địa và hệ sinh thái mà chúng phân bố. Có khá nhiều loài thủy sản ngoại lai là đối tượng nuôi ở nước ta như cá điêu hồng, tôm thẻ chân trắng,... nhưng để trở thành đối tượng nuôi ngoài yếu tố kỹ thuật còn phụ thuộc vào thị trường/thị hiếu, hiệu quả kinh tế,... Giảng viên Trần Đắc Định, Trưởng Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm