Lắp camera trong phòng khách sạn: Coi chừng đi tù!

(PLO)- Tùy vào động cơ, mục đích và hậu quả của việc lắp đặt camera quay lén gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trên mạng xã hội có đăng tải clip phản ánh một cơ sở lưu trú tại TP Đà Lạt có lắp camera tại phòng tập thể với sức chứa tám người.

Chủ cơ sở là ông TQS giải thích camera được lắp đặt công khai, không có tình trạng giấu kín để thực hiện mục đích xấu. Việc lắp camera này chỉ nhằm mục đích bảo vệ tài sản của du khách lưu trú.

Tuy nhiên, vụ việc khiến nhiều người lo lắng khi những hình ảnh được camera quay lại rất có thể bị phát tán, gây ảnh hưởng đến đời tư khách hàng.

Vi phạm quyền riêng tư

Nhận định về vụ việc, ThS Nguyễn Ngọc Phương Hồng, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nói: “Pháp luật Việt Nam hiện hành không có bất kỳ quy định cụ thể nào về việc lắp camera hoặc các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình tại các địa điểm lưu trú”.

Du khách lo lắng vì những hình ảnh riêng tư từ camera có thể bị phát tán. Ảnh: VÕ TÙNG

Du khách lo lắng vì những hình ảnh riêng tư từ camera có thể bị phát tán. Ảnh: VÕ TÙNG

Tuy nhiên, việc lắp camera và các thiết bị ghi âm, ghi hình nói chung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền riêng tư - một trong những quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Nhìn chung, việc lắp đặt camera là cần thiết để đảm bảo an toàn cho khách sạn nói chung và cho khách thuê phòng nói riêng. Đây cũng là cách giúp phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra như trộm cướp, mất cắp…

Tuy nhiên, việc lắp camera ở đâu để vừa giúp phòng tránh rủi ro vừa đảm bảo an toàn pháp lý là điều cần phải cân nhắc.

Theo Ths Phương Hồng, cơ sở lưu trú có thể lắp camera tại các khu vực chung (như khu vực lễ tân, phòng bếp chung, hồ bơi chung, khuôn viên chung, hành lang, bãi xe…).

Cần lưu ý, việc lắp camera phải đáp ứng được các điều kiện như: Nhận được sự đồng ý từ phía người được ghi âm, ghi hình; mục đích là để đảm bảo an ninh chứ không phải để theo dõi bất kỳ cá nhân nào và có các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin lưu trữ trên các thiết bị.

Đối với các khu vực có tính riêng tư, nhạy cảm như phòng ngủ, toilet, phòng thay đồ…, liên quan trực tiếp đến sự riêng tư mà Điều 38 BLDS năm 2015 đề cập; nếu cơ sở lưu trú tự ý lắp đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình ở những khu vực này sẽ là phạm pháp.

Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn LS TP.HCM, cho biết thêm: Cần xác định khi khách du lịch thuê cơ sở lưu trú của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch thì họ có quyền chiếm hữu và sử dụng đối với căn phòng, căn hộ mà họ đã thuê theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Do đó, chủ cơ sở lưu trú muốn lắp đặt camera hoặc bất cứ thiết bị ghi âm, ghi hình nào tại phòng của khách thuê thì cũng phải được sự đồng ý của họ.

“Việc chủ cơ sở lưu trú lắp đặt camera hoặc các thiết bị ghi âm, ghi hình khác ở những nơi riêng tư, nhạy cảm của khách như phòng ngủ, toilet… là xâm phạm đến hình ảnh, xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật đời tư của khách hàng” - LS Ý nói.

Có thể bị xử lý hình sự

Cũng theo LS Ý, tùy vào mục đích của hành vi lắp đặt camera quay lén và hậu quả của việc này gây ra, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các điểm e, g, m khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020.

Mức phạt đối với hành vi này là 10-20 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân bị phạt 1/2 so với tổ chức).

Nghiêm trọng hơn, việc lắp đặt camera quay lén sai luật có thể bị xử lý hình sự trong một số trường hợp, cụ thể:

Thứ nhất, nếu sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác để uy hiếp, đe dọa nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu TNHS về tội cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 BLHS, có khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Thứ hai, nếu việc sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của họ thì có thể bị truy cứu TNHS về tội làm nhục người khác, theo Điều 155 BLHS, có khung hình phạt đến năm năm tù.

Thứ ba, nếu việc sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác mà những hình ảnh, clip này có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhằm phổ biến, phát tán lên mạng xã hội hoặc trên các phương tiện thông tin khác thì có thể bị truy cứu TNHS về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo Điều 326 BLHS. Tội này có khung hình phạt lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, việc quay lén hình ảnh, clip riêng tư của người khác để đưa lên mạng hoặc có hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó thì có thể bị truy cứu TNHS về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS với mức phạt lên đến bảy năm tù.

Đà Lạt yêu cầu cơ sở lưu trú không lắp camera trong toilet, phòng ngủ

Ngày 14-6, trao đổi với PV, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa thể thao TP Đà Lạt, cho biết ngay sau khi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, chủ cơ sở lưu trú nêu trên đã tháo ngay camera lắp tại phòng tập thể của cơ sở này.

Theo ông Kiệt, cơ quan này yêu cầu tất cả cơ sở lưu trú ở Đà Lạt không lắp camera trong nhà vệ sinh và phòng ngủ. Chỉ được phép lắp ở sảnh lễ tân.

“Theo quy định, mình hoạt động cơ sở lưu trú, việc gắn camera mặc dù trong Luật Du lịch không cấm nhưng về pháp lý là ảnh hưởng đến đời tư của cá nhân trong không gian kín là không được” - ông Kiệt giải thích thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm